Giới thiệu (25.04.2024 08:15)

1. Vị trí địa lý 

Huyện Cư Jút được thành lập theo Quyết định số 227/HĐBT, ngày 19/06/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

 Căn cứ Nghị quyết số: 22/2003/QH11, ngày 26/11/2003 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam và Nghị định số 04/2004/NĐ-CP, ngày 02 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lăk và thành phố Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đăk Lăk; Sau khi điều chỉnh 03 xã Hoà Phú, Hoà Khánh, Hoà Xuân về tỉnh Đăk Lăk.

 

Diện tích tự nhiên của huyện: 72.028,79 ha, trong đó:

 

 - Diện tích đất nông nghiệp: 65.369,9 ha.

 

- Diện tích đất phi nông nghiệp: 5.628,66 ha

 

- Diện tích đất chưa sử dụng: 1.030,23 ha.

 

Huyện Cư Jút nằm trên trục đường Quốc lộ 14, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) 20km về phía Tây nam và cách thị xã Gia Nghĩa 110km, nằm về phía Bắc tỉnh lỵ Đăk Nông, có 20 km đường biên giới giáp với Huyện Pecchamda - tỉnh MunDunKiri, vương quốc CamPuChia.

  

Địa giới hành chính huyện Cư Jút: - Phía Đông giáp Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. - Phía Tây giáp tỉnh MunDunKiri, vương quốc CamPuChia. - Phía Nam giáp huyện ĐăkMil. - Phía Bắc giáp huyện Buôn Đôn, tỉnh ĐăkLăk.

 Huyện có 8 đơn vị hành chính, gồm các xã: Trúc Sơn, Nam Dong, Tâm Thắng, Ea Pô, Đăk Wil, Cư Knia, Đăk Drông và thị trấn Ea Tling; có 128 thôn, buôn, bon, tổ dân phố. Tổng dân số toàn huyện 19.077 hộ với 92.309 khẩu; 25 dân tộc anh em, trong đó: dân tộc thiểu số tại chỗ: 1.031 hộ với 5.727 khẩu chiếm 6,5% dân số; dân tộc thiểu số khác: 7.803 hộ với 38.591 khẩu, chiếm 43,8% dân số toàn huyện.

  

Có 3 tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo và Tin lành (tín đồ: 26.190, chiếm 28,37% dân số). Hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường tự nguyện và đúng quy định pháp luật Nhà nước. Đến nay, toàn huyện có 9 điểm nhóm và 03 Chi hội sinh hoạt đạo Tin lành; 02 nhà thờ Giáo xứ và 05 nhà nguyện sinh hoạt đạo Công giáo; 03 Chùa và 02 Niệm Phật đường sinh hoạt đạo Phật. Tín độ các đạo và dân cư không theo đạo cùng chung sống hòa đồng, tạo nên một cộng đồng đoàn kết cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương.

 - Cư Jút có dòng sông Sêrêpok chảy qua với hơn 40 km qua địa bàn huyện, sông có nhiều thác ghềnh hùng vĩ, ẩn chứa nhiều giai thoại, truyền thuyết. Huyện Cư jút đã đưa vào khai thác du lịch Thác Trinh Nữ, cùng với Thác Gia Long – Dray Sáp – Trinh Nữ và Buôn Đôn đã tạo nên cụm du lịch liên hoàn giữa 2 tỉnh Đăk Lăk – Đăk Nông, bước đầu thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.

 - Bên cạnh đó còn có các điểm du lịch khác như: khu du lịch Hồ Trúc, Buôn văn hoá buôn cổ - Xã Tâm Thắng, khu du lịch sinh thái từ cầu 14 đến Thác Trinh Nữ, thuỷ điện Sêrêpok 3, Sêrêpok 4 … đã và đang được đầu tư thành khu du lịch trong tương lai…

   

2. Văn hoá truyền thống:

  

Từ cội nguồn lịch sử, chủ nhân của miền đất Cư Jút là 2 dân tộc Êđê và M’Nông; cơ sở xã hội của dân tộc Êđê M’Nông là Buôn; hợp thành buôn là các gia đình theo chế độ mẫu hệ. Các gia đình trong buôn đều có quan hệ với nhau về thân tộc, thích tộc làm cho quan hệ cộng đồng buôn được duy trì khá chặt chẽ. Một số nét đặc trưng: + Về ăn mặc: chủ yếu mặc đồ thổ cẩm tự dệt như khố, áo. + Về ăn uống: rượu cần, cà đắng, cơm lam, gà nướng. + Về ở: nhà sàn. + Sử thi của N'Rong, trường ca (khan) Đăm San, Xinh Nhã… 

 

+ Lễ hội: đâm trâu, múa rông chiêng, múa chiêng, múa cồng…

 

+ Âm nhạc: cồng, chiêng, đàn T'rưng, đinh năm, đàn đá…

 

* Văn hoá các dân tộc thiểu số khác:

 

- Hát then (Tày, Nùng)

 

- Dân ca, khua loóng (Thái)

 

- Thổi khèn (Mông)

 

- Múa xoè (Thái)

 

- Lễ hội Lồng tồng (hội xuống đồng)…

  

3. Về thời tiết khí hậu, đất đai, thỗ nhưỡng:

  

a. Về thời tiết khí hậu:

  

Vùng Cư Jút chịu sự chi phối bởi kiến tạo địa chất của cao nguyên, địa hình tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Tây sang Đông, từ Nam đến Bắc, độ cao trung bình khoảng 330m. Lượng mưa trên địa bàn lớn, trung bình hàng năm từ 1.700-1.800mm, có nhiều sông suối nên địa hình chia cắt mạnh. Cư Jút mang đặc điểm khí hậu của miền cao nguyên nhiệt đới gió mùa, quanh năm mát mẻ, có hai mùa mưa nắng rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, tập trung 90% lượng mưa hàng năm, là thời gian phát triển mạnh của các loại cây trồng; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể cộng với gió mùa Đông bắc làm tỉ lệ bốc hơi nước cao gây khô hạn, hệ thống thực vật kém phát triển. Nhiệt độ trung bình 23,40C; độ ẩm trung bình 85%, số giờ nắng trung bình 2.288giờ/năm.

  

Chế độ nhiệt:

  

- Nhiệt độ cao nhất trong năm: 27,8oC

 

- Nhiệt độ thấp nhất trong năm: 14,3oC

 

- Nhiệt độ trung bình năm: 23,4oC

 

- Biên độ nhiệt ngày đêm: 10-15oC

 

- Tổng tích ôn: 8.500 – 9.000oC

 

Chế độ gió: Hướng gió thịnh hành mùa mưa là tây nam, mùa khô là Đông bắc.

  

b. Đất đai, thổ nhưỡng: Trên địa bàn có 5 loại đất chính

  

* Đất vàng nhạt phát triển trên sản phẩm phong hóa bột kết (Fq), diện tích lớn nhất: 33.150ha chiếm tỷ lệ hơn 46%, phân bổ vùng phía tây huyện trên địa bàn xã ĐăkWil, đây là loại đất được hình thành trên đá mẹ là phiến sét, thành phần cơ giới là thịt nhẹ, tầng dày nhỏ hơn 30cm, độ dốc thay đổi từ cấp II đến IV, rất nhiều đá lộ đầu thành cụm. Đối với loại đất này khi canh tác cần có biện pháp cải tạo đất thường xuyên, không khai hoang trong mùa mưa và canh tác luân canh, bảo đảm độ che phủ thực vật thường xuyên và hạn chế đến mức thấp nhất về xói mòn rửa trôi.

  

* Đất vàng trên phiến sét: Feralit-Salit (Fs): 21.735ha chiếm 30,235% diện tích phân bổ chủ yếu trên địa hình núi cao tập trung thành dãy vùng trung tâm và rìa phía bắc, phía đông huyện, trên địa bàn nhiều xã: EaPô (Phía bắc xã), ĐăkDrông, Tâm thắng, EaTling, Trúc Sơn… đây là đất được hình thành trên đá mẹ là phiến sét, phong hóa triệt để, thành phần cơ giới là thịt nặng, ít xốp, khi mất nước trở nên chai rắn, tầng dày 70 – 100cm, ít dốc ( cấp II, III), thảm thực vật được khai thác trồng cây, chủ yếu cây hàng năm.

  

* Đất đen trên đá Basalt và Tù (Rk), diện tích 14.374ha, chiếm xấp xỉ 20% diện tích tự nhiên, phân bổ ở các thung lũng vùng trung tâm (phía đông ĐăkWil, ĐăkDrông, Cư Knia), phát triển chủ yếu trên nền đá mẹ Basalt nên giàu các nguyên tố sắt, nhôm, calci, magiê, phospho, kali, natri, nhóm đất này có địa hình lượn sóng, rất giàu dinh dưỡng, có tầng dày thích hợp cho nhiều loại cây trồng.

  

* Đất nâu đỏ trên đá Basalt (Fk): 3.332ha diện tích khá thấp ( 3,244% diện tích), phân bổ rải rác vùng phía nam, là nhóm đất hình thành trên đá mẹ basalt nên giàu các nguyên tố sắt, nhôm, calci, magiê, kali, natri, đất tơi xốp, thành phần cơ giới thịt nặng đến trung bình, tầng dày từ 50 – 100cm, độ dốc cấp III, IV, đây là nhóm đất giàu mùn, dinh dưỡng cao nên thích hợp cho các loại cây công nghiệp dài ngày: cà phê, tiêu, cao su hoặc ngắn ngày như: lạc, đậu nành …

  

* Đất thung lũng dốc tụ (D): Diện tích nhỏ 297ha chiếm 0,413% diện tích phân bổ rải rác ven sông suối, được hình thành bởi quá trình bào mòn vận chuyển vật chất, thường bị ngập nước nên gây hóa, đất bị kết von. Đất khá giàu mùn hữu cơ, đất thịt nhẹ ít thoát nước thích hợp cho cây trồng lương thực.

  

4. Tài nguyên thiên nhiên

  

a. Tài nguyên đất: gồm những nhóm đất sau:

 

- Nhóm đất xám: Có diện tích 17.452,12 ha, chiếm 24,33% diện tích tự nhiên.

 

- Nhóm đất đen: Có diện tích 10.688,45 ha, chiếm 14,84% diện tích tự nhiên.

 

- Nhóm đất đỏ vàng: Có diện tích 41.307,61 ha, chiếm 57,35% diện tích tự nhiên.

 

- Nhóm đất dốc tụ: Có diện tích 623,57 ha, chiếm 0,87% diện tích tự nhiên.

  

b. Tài nguyên rừng:

  

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp: 44.411,5 ha, trong đó: diện tích đất có rừng: 39.950,68 ha (rừng tự nhiên: 38.664,42 ha, rừng trồng: 1.286,3 ha), bao gồm: rừng sản xuất: 35.212,48 ha; rừng phòng hộ: 1.464,7 ha; rừng đặc dụng: 2.794 ha.

  

c. Tài nguyên khoáng sản

  

Khoáng sản vật liệu xây dựng như: đất sét phân bố trên địa bàn các xã: Trúc Sơn, Cư Knia, Đăk Drông, có thể khai thác sản xuất gạch, ngói phục vụ xây dựng các công trình và xây dựng dân dụng; ngoài ra còn có đá bazan bọt làm nguyên liệu sản xuất gạch ốp lát cách âm, cách nhiệt (công ty sản xuất đá Granit – tại khu công nghiệp Tâm Thắng đang sản xuất); huyện còn có hàng triệu mét khối đá, cát tập trung ở các xã: Ea Pô, Nam Dong, Đăk Drông, Đăk Wil … để sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ cho nhu cầu xây dựng ở tỉnh Đăk Lăk và tỉnh Đăk Nông.

  

Khoáng sản có mỏ quặng antimon ở địa bàn xã Đăk Drông hiện nay công ty Vinaxuki đang khai thác.

  

d. Tài nguyên nước

  

Huyện Cư Jút có mạng lưới sông suối khá dày, với mật độ 0,4 – 0,6 km/km2, các sông suối trong vùng chủ yếu thuộc lưu vực sông Sêrêpok nên đã tạo ra hệ thống nước mặt phong phú. Phần lưu vực sông Sêrêpok qua huyện dài khoảng 40 km là đoạn đầu của hợp lưu hai nhánh Krông Nô và Krông Na chảy dọc theo ranh giới phía đông theo hướng Nam Bắc. Ngoài ra trên địa bàn huyện có nhiều hồ đập thủy lợi như: đập Trúc Sơn, đập Đăk Drông, đập Cư Pu, đập Buôn Bur, đập tiểu khu 839, đập Đăk Diêr, đập tiểu khu 840 … cung cấp nước tưới cho hàng ngàn ha lúa đông xuân và một số diện tích cây trồng khác: cà phê, tiêu, cây ăn quả …

Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :