Tiếp tục thúc đẩy phong trào ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt
Phát triển NNƯDCNC là cụm từ được nhắc nhiều nhất, thường xuyên nhất trong nhiều cuộc họp từ tỉnh đến cơ sở thời gian qua, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của đảng viên, cán bộ, công nhân viên và người dân về ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 04 đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, xác định cụ thể các chương trình trọng tâm, giải pháp triển khai thực hiện theo lộ trình của từng năm, từng giai đoạn và phân công nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, địa phương. Các sở, ban, ngành, cấp ủy các địa phương cũng xây dựng và ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.
|
Khu NNƯDCNC cao của tỉnh hiện đã có 9 nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Ảnh: Thanh Nga
|
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện 2 Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và “Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Các chính sách nhằm thu hút, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực NNƯDCNC cũng được ban hành.
Ngành nông nghiệp đã xây dựng các đề án cụ thể như: Phát triển cây cà phê bền vững; Phát triển cây ngô; Tái canh cà phê...Các địa phương cũng xác định các cây trồng chủ lực trên địa bàn mình và đề xuất xây dựng các đề án để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Giai đoạn 2012-2018, tỉnh cũng đã dành 7.748 triệu đồng để hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp của tỉnh tham dự hoạt động xúc tiến thương mại.
Chất lượng và hiệu quả kinh tế được cải thiện đáng kể
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhiều nguồn vốn đa dạng đã được huy động để đầu tư cho chương trình theo chiều sâu trên nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi khác nhau. Các tiến bộ kỹ thuật đã được người dân áp dụng vào sản xuất nên năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp năm 2015 đạt 7,67%; năm 2018 đạt 5,96%; dự báo đến năm 2020 đạt trên 5%, vượt so với mục tiêu của nghị quyết đề ra. Sản lượng lương thực có hạt năm 2018 đạt 433 ngàn tấn, tăng 123 ngàn tấn so năm 2010. Cà phê nhân 276 ngàn tấn, tăng 119 ngàn tấn so với năm 2010. Hồ tiêu 42 ngàn tấn, tăng gần 31 ngàn tấn so với năm 2010. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 34,91 triệu đồng năm 2010 lên 75 triệu đồng năm 2015 và năm 2018 đạt trên 89 triệu đồng/ha, vượt so với mục tiêu của nghị quyết. Giá trị sản xuất trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản tăng từ 54,59 triệu/ha năm 2010 lên 122,56 triệu đồng/ha năm 2018 (tăng 224%). Lương thực bình quân đầu người năm 2018 đạt 679kg/người, vượt 79 kg/người so với mục tiêu đề ra (600kg/người). Chăn nuôi đã cơ bản chuyển sang phương thức trang trại, công nghiệp như định hướng theo quy trình an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và có xu hướng tăng, chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình giảm dần.
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 20 nhà đầu tư tìm hiểu và đăng ký đầu tư trong lĩnh vực NNƯDCNC. Trong đó, có 8 dự án, với tổng số vốn 456,3 tỷ đồng đã được UBND tỉnh đồng ý cho chủ trương triển khai thực hiện, chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực trồng cây dược liệu, sản xuất giống cây trồng, sản xuất rau sạch trong nhà lưới, nhà kính, trồng cây mắc ca, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi động vật hoang dã...Riêng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông năm 2019, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào tỉnh. Trong đó các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến NNƯDCNC, dự kiến thu hút 25 triệu USD (Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao; Công ty cổ phần Tập đoàn T&T).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn, hiện nay, tỉnh đang có một số tập đoàn doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp tỉnh như: Tập đoàn T&T, Tập đoàn FLC…Đây sẽ là điệu kiện thuận lợi để giúp tỉnh phát triển NNƯDCNC. Ngoài ra, các doanh nghiệp của tỉnh cũng ký kết hợp tác với các hộ nông dân, với các lĩnh vực tiêu thụ, phân phối nông sản, hỗ trợ cung cấp giống mới, tư vấn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và dự kiến bao tiêu sản phẩm, làm vườn ươm giống.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên do yêu cầu khoa học kỹ thuật cao, đòi hỏi nguồn vốn lớn nên việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất mới chỉ dừng lại ở dạng tự phát nhỏ lẻ, manh mún, thiếu chiến lược, thiếu hệ thống đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ. Nguyên nhân được xác định là do xuất phát điểm của tỉnh còn thấp, nên mặc dù đã có chủ trương xây dựng Khu NNƯDCNC nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do ngân sách hạn chế, chưa có kinh phí xây dựng hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư có tiềm lực, tâm huyết, muốn đầu tư vào lĩnh vực NNƯDCNC của tỉnh, nhưng chưa có điều kiện tiếp cận do quỹ đất sạch không còn để bố trí.
Trong khi đó, các chủ trương, chính sách phát triển NNƯDCNC dù đã có nhưng còn chậm, chưa đồng bộ, chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Việc ƯDCNC vào nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư khá lớn, trong khi việc vay vốn ngân hàng rất khó khăn, lãi suất cao, nguồn vốn ưu đãi thì khó tiếp cận. Cùng với việc thiếu vốn đầu tư, việc tìm thị trường tiêu thụ nông sản là một trong những khó khăn lớn nhất của nông dân khi phát triển NNƯDCNC. Nhiều mô hình thuộc Chương trình NNƯDCNC đạt hiệu quả cao nhưng mức đầu tư của các mô hình lớn hơn nhiều so với các mô hình thông thường, trong khi mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí Nhà nước hạn chế và phần lớn người sản xuất thiếu vốn đầu tư. Vì vậy, việc triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất NNƯDCNC rất khó khăn.
Hơn nữa, ƯDCNC vào nông nghiệp đòi hỏi cần có lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ phù hợp. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào việc xây dựng các mô hình NNƯDCNC hiện nay còn thấp, nên hiệu quả triển khai còn hạn chế. Đặc biệt, hiện nay nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về sản xuất NNƯDCNC cao còn mơ hồ, chưa theo kịp thực tế, e ngại trong việc triển khai thực hiện, không tin tưởng vào sự thành công của nghị quyết.
|
Phát biểu kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND yêu cầu:
Cấp ủy đảng, các ngành, địa phương tiếp tục tập trung nghiên cứu các đề án về nông nghiệp, để triển khai định hướng cho người dân trong phát triển nông nghiệp bền vững, cũng như tạo thành phong trào ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 3.000 ha NNƯDCNC; trong đó phải chú trọng từ khâu tổ chức, chọn giống, nghiên cứu thị trường, tạo liên kết, thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn, yêu cầu.. để tạo chuỗi giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục tạo thuận lợi để “giữ chân” doanh nghiệp yên tâm đầu tư, gắn bó với địa phương trong thực hiện các dự án NNƯDCNC.
|
Phải tạo thành phong trào sâu rộng
Trên cơ sở kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, hạn chế qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 04, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015-2020 mới đây đã tiếp tục khẳng định quyết tâm đẩy mạnh phát triển NNƯDCNC và phải tạo thành phong trào sâu rộng. Trên cơ sở Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, tỉnh phấn đấu đến năm 2035 hình thành 55 vùng NNƯDCNC; trong đó, lĩnh vực trồng trọt 41 vùng; thủy sản 5 vùng; chăn nuôi 9 vùng và nâng độ che phủ rừng lên 42% vào năm 2025. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, kết hợp xây dựng các khu công viên giải trí, trồng rừng hiệu quả, sản xuất giấy cao cấp, ván nhân tạo trực tiếp từ nguồn nguyên liệu của địa phương.
Cùng với tranh thủ các chính sách, nguồn lực của Trung ương cũng như tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức lại sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực và nhân rộng các mô hình NNƯDCNC hiệu quả cũng như xây dưng nông thôn mới.
Lam Giang