Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (HTDN) là một trong những công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế để phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương. Vì vậy, để cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng đầy đủ những tiện ích mà chỉ số này mang lại, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, các ngành.
|
Sản phẩm cà phê do DNTN Toàn Hằng (Đắk R'lấp) sản xuất được nhiều thực khách đánh giá cao tại Hội nghị xúc tiến thương mại giao lưu hợp tác giữa doanh nghiệp Đắk Nông và quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh)
|
Còn nhiều ách tắc
Công ty Cổ phần cao su Daknoruco (Đắk Mil) được thành lập từ năm 1983, hoạt động sản xuất gắn bó nhiều với địa phương. Năm 2015, địa phương nơi doanh nghiệp đóng chân muốn xin một phần nhỏ diện tích đất của Công ty để làm đường dân sinh, hội trường thôn, nhà văn hóa… Công ty xem đây là việc làm tốt và đã hoàn tất mọi thủ tục chia cắt đất cho địa phương.
Tuy nhiên, khi trình thủ tục lên cơ quan chức năng xem xét thì lại bị bỏ quên đến 4 năm nay, không ai trả lời cho Công ty. Trong 4 năm qua, tiền thuê đất hàng năm Công ty vẫn đóng đều đặn, các cổ đông lại luôn thắc mắc về việc tại sao đất đã giao cho địa phương mà vẫn phải đóng tiền. Theo ông Ngô Tùng Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Daknoruco, đó là một trong những câu chuyện của thực trạng giải quyết công việc ở một số đơn vị hiện nay.
Còn theo ông Trần Văn Thuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, một thủ tục đơn giản của đơn vị là việc ra quyết định công nhận kết quả Đại hội Hiệp hội. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì mà thủ tục này kéo dài hơn 1 năm trời vẫn chưa được hoàn thiện. Hỏi ra mới biết là do chuyên viên của đơn vị chủ trì đã quên làm quyết định để trình cấp trên ký. Vì vậy, ông Thuân đề nghị các sở, ngành cần có sự giám sát chặt chẽ công việc của những bộ phận trực thuộc và nhất là chất lượng của các văn bản soạn thảo ra, để giảm những “ách tắc” không đáng có…
|
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là một trong những chương trình đang được Sở Công thương tập trung triển khai thực hiện
|
Thực tế, lâu nay việc xử lý công việc cho doanh nghiệp thông thường diễn ra theo "lộ trình": thủ trưởng giao cho cấp phó, rồi cấp phó giao cho phòng và phòng giao lại cho các chuyên viên. Do "lộ trình" diễn ra khá dài, nên thường gây ra hiện tượng “ách tắc” khi xử lý hồ sơ, công việc cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, khi họ làm thủ tục hành chính nộp về các sở, ngành trực tiếp xử lý, nhưng để đó mấy tháng trời không ai có ý kiến gì. Đến tận ngày hẹn nhận kết quả, các sở, ngành mới thông báo doanh nghiệp là thiếu cái này, cái kia. Doanh nghiệp khi đó lại phải chạy đôn, chạy đáo để bổ sung thủ tục và tiếp tục chờ đợi kết quả.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm tới nay, đơn vị đã tiếp nhận, tổng hợp và chuyển 41 kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến 17 sở, ban ngành để xem xét, xử lý. Tuy nhiên, trong số này chỉ mới có 17/41 kiến nghị được trả lời đến kết quả cuối cùng, chiếm 17%. Điều này cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết tận gốc.
"Khơi thông" để hỗ trợ doanh nghiệp
Khó khăn của doanh nghiệp chưa được giải quyết tận gốc đã minh chứng rằng, hoạt động hỗ trợ, sát cánh cùng doanh nghiệp cũng chưa được triển khai thực hiện hiệu quả. Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng thì trong năm 2018, chỉ số dịch vụ HTDN của tỉnh Đắk Nông đạt 6,24 điểm, tăng 0,05 điểm so với năm 2017. Đây là một trong 10 chỉ số thành phần quan trọng cấu thành nên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Từ những kết quả trên cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh chưa biết đến các dịch vụ và cũng chưa được thụ hưởng các dịch vụ, chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, chất lượng các dịch vụ HTDN cũng chưa được các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao. Số lượng doanh nghiệp mong muốn sử dụng lại các dịch vụ hỗ trợ của tỉnh vẫn thấp so với trung bình chung của cả nước. Kết quả này cũng cho thấy, một số sở, ngành, địa phương còn chưa tích cực trong công tác phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa tiếp cận được thông tin về các kênh hỗ trợ chính thức từ cơ quan nhà nước…
|
Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh tham quan dây chuyền sản xuất, chế biến chanh dây tại Hợp tác xã Tia Sáng (Gia Nghĩa)
|
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, toàn tỉnh đang có 4.468 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký vào lĩnh vực dịch vụ chiếm 73,35%; công nghiệp: 21,25%; nông nghiệp: 5,4%. Về quy mô hoạt động, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 66,47%; doanh nghiệp nhỏ chiếm 28,96% và còn lại là doanh nghiệp vừa và lớn. Có thể thấy, trong điều kiện số lượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn như vậy thì dịch vụ HTDN tốt, hiệu quả sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh mẽ.
Nhằm cải thiện chỉ số dịch vụ HTDN, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về triển khai "Đề án Nâng cao chỉ số PCI tỉnh Đắk Nông", với mục tiêu tăng từ 2-3 bậc so với năm trước. Theo đó, tỉnh sẽ chú trọng tới việc nâng cao chất lượng các dịch vụ HTDN. Phấn đấu đưa các chỉ số thành phần của dịch vụ HTDN lên nhóm khá. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư cũng được quan tâm nhiều hơn.
Đặc biệt, sắp tới, tỉnh sẽ triển khai Kế hoạch Cải thiện chỉ số dịch vụ HTDN thuộc chỉ số PCI năm 2019 trên địa bàn. Trong đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng triển khai thực hiện tốt các chương trình khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đến kết quả cuối cùng với thời gian nhanh nhất, chi phí thấp nhất.
11 chỉ số con của chỉ số thành phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2018 giảm điểm so với năm 2017
Chỉ tiêu
|
|
|
Năm 2017
|
Năm 2018
|
|
Tỉ lệ DN cung cấp dịch vụ (CCDV) trên tổng số DN (%)
|
1.85%
|
0.82%
|
|
Tỉ lệ DN CCDV tư nhân và FDI trên tổng số DN CCDV (%)
|
40,91%
|
20%
|
|
DN từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường (TTTT) (%)
|
54,72%
|
47%
|
|
DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ tìm kiếm TTTT (%)
|
68,97%
|
62%
|
|
DN từng sử dụng dịch vụ tư vấn về pháp luật (TVPL) (%)
|
61,90%
|
49%
|
|
DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ XTTM (%)
|
45,45%
|
45%
|
|
DN từng sử dụng dịch vụ liên quan tới công nghệ (%)
|
68,18%
|
64%
|
|
DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ liên quan tới công nghệ (%)
|
66,67%
|
52%
|
|
DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ đào tạo về KTTC (%)
|
61,54%
|
50%
|
|
DN từng sử dụng dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh (QTKD) (%)
|
60%
|
56%
|
|
DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ đào tạo về QTKD (%)
|
71,43%
|
61%
|
|
Bài, ảnh: Lê Dung