Huyện có 8 xã, thị trấn, với tổng diện tích đất tự nhiên trên 723,26 km2; đất đai màu mỡ, với dân số trên 98.260 người, với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế 9%; trong đó giá trị sản xuất Công nghiệp & xây dựng cơ bản tăng 12%; TM-DV tăng 10%; giá trị nông, lâm nghiệp tăng 2,2%. Thu nhập bình quân đầu người là 57 triệu đồng/người/năm. Có được thành tựu đó thì không thể không kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp đã đồng hành cùng chính quyền địa phương.
Trong những năm qua, huyện đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Huyện không ngừng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông; giữ vững cam kết đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư. Chỉ tính riêng trong năm 2023, toàn huyện có 43 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn kinh doanh là hơn 97 tỷ đồng. Tính đến nay, toàn huyện có 336 công ty, doanh nghiệp và chi nhánh công ty đang hoạt động trên địa bàn, với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra trên địa bàn huyện có 28 hợp tác xã và trên 2.000 hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều lĩnh vực. Nhiều dự án có tổng vốn đầu tư lớn, như Dự án Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, với tổng vốn đầu tư trên 786 tỷ đồng; dự án Điện năng lượng mặt trời CưJut 1.250 tỷ đồng.v.v…
Để thu hút các Doanh nghiệp đến với địa phương, thời gian qua, huyện đã tăng cường truyền thông, quảng bá, giới thiệu các tiềm năng lợi thế, các Dự án địa phương định hướng phát triển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân thường xuyên đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho trên 5.000 lao động. Đồng thời, thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính, đóng góp không nhỏ vào công tác thu ngân sách của địa phương. Năm 2023, tổng thu NSNN là 368,89 tỷ đồng, đạt 95,4% KH giao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã vận động được số tiền trên 5,3 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 108 hộ gia đình thuộc các đối tượng hộ nghèo, hộ chính sách có công, khó khăn về nhà ở. Trong phong trào “Tết nhân ái” xuân Giáp Thìn năm 2024, huyện đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện tham gia ủng hộ được trên 7.000 suất quà, với tổng trị giá trên 3,3 tỷ đồng, đạt 228% so với kế hoạch đề ra. Thông qua các hoạt động này đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đối với công tác cải cách TTHC, huyện đã triển khai xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh; 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai niêm yết TTHC bằng quét QR-Code không để hồ sơ tồn đọng, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực thuế, huyện tiếp tục tăng cường hướng dẫn đăng ký thuế điện tử cho các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh; tuyên truyền, khuyến khích các hộ có doanh thu lớn chuyển đổi hình thức kinh sang loại hình doanh nghiệp hoặc hộ kê khai. Hướng dẫn chế độ thuế và quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; hướng dẫn người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử; cài đặt và đăng ký ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động (Etax mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đẩy mạnh chương trình mỗi xã 01 sản phẩm, đến nay, toàn huyện có 9 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các sản phẩm tiêu biểu của địa phương được giới thiệu thông qua các buổi hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 06 tổ chức, cá nhân có sản phẩm đăng ký tham gia.
Huyện Cư Jut còn nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Cư Jút nằm trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu Unesco Đắk Nông bao gồm những điểm dừng chân như: Núi lửa Băng Mo, Cầu Sêrêpôk, Buôn Nui buôn văn hóa.v.v…; người dân nơi đây vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, trở thành điểm đến mới lạ, hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là cơ sở để huyện Cư Jut tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư với các dự án có tiềm năng trên địa bàn huyện như: Dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Hồ Trúc, tại thị trấn Ea T’ling, với quy mô 22,52ha, tổng số vốn dự kiến từ 350 đến 500 tỷ đồng. Dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái dọc sông Sêrêpốc tại thị trấn Ea T’ling và Tâm Thắng, với quy mô 419 ha, vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng. Khu đô thị trung tâm thị trấn Ea T’ling, với quy mô 9 ha tại TDP7 và TDP8, vốn đầu tư dự kiến 750 tỷ đồng. Đây là những Dự án đã đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2023 -2030.
Với sự tâm huyết, nỗ lực của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp; sự quyết tâm, trách nhiệm cao nhất của chính quyền huyện Cư Jut tạo điều kiện kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại huyện nhà. Huyện Cư Jut tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sẽ có bước phát triển mạnh hơn; năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ngày càng được nâng lên, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà./.
Thực hiện: HT-TN-MT