Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Trương Thanh Tùng – TUV, Phó chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành có liên quan cùng tham dự.
Theo báo cáo tại hội nghị, bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiệm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không lây bệnh cho các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%. Bệnh lây lan nhanh gây thiệt hại lớn, tuy nhiên không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Vi rút có sức đề kháng cao tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn, bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư…) các phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay, trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.
Trên thế giới, trong những năm vừa qua, bệnh DTLCP đã lây lan rất nhanh từ nước này qua nước khác như Liên Bang Nga, Trung quốc, mông Cổ… nên nguy cơ dịch lây lan đến các nước khác là rất cao.
Tại nước ta, từ ngày 1/2-3/3/2019 bệnh DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bịnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức.
Nhằm ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lan ra diện rộng, Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch bệnh theo Chỉ thị số 04/CT-TTG, ngày 20/2/2019 của Thủ Tướng Chính phủ; đồng thời tổ chức xây dựng và thực hiện kế hoạch kịch bản cụ thể theo "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP" được ban hành kèm theo quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY, ngày 15/11/2018; Công điện 1237/CĐ-BNN-TY, ngày 22/2/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các cấp, ban ngành phải xắn tay áo vào cuộc, trong đó cần có biện pháp hướng dẫn hành động kịp thời; hướng dẫn thanh toán hỗ trợ sớm cho người chăn nuôi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt…