Thời gian đang dần trôi về những tháng cuối của quý III/2024. Đây là thời điểm các địa phương bật chế độ “chạy nước rút”, để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đặt ra. Và huyện Cư Jút (Đắk Nông) cũng không ngoại lệ. Có những thời điểm, lãnh đạo huyện Cư Jút phải làm việc cả ngày cuối tuần để giải quyết cho hết công việc. Lý do địa phương này phải “vắt chân để chạy”, bởi trong 6 tháng đầu năm đối mặt với quá nhiều khó khăn. Một trong những lực cản trong phát triển kinh tế xã hội của Cư Jút thời gian qua chính là liên tiếp hứng chịu các loại hình thiên tai.
Theo báo cáo của UBND huyện Cư Jút, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện có nhiều khó khăn, bất lợi. Sản xuất nông nghiệp, thủy điện gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết không thuận lợi, nắng nóng, hạn hán diễn ra tại nhiều địa phương, khu vực trên địa bàn huyện. Một số xã Nam Dong, Đắk Wil, Cư Knia và Trúc Sơn bị thiếu nước tưới cho cây trồng ở mức báo động, mực nước ngầm giảm sút trầm trọng, lượng nước trên các hồ chứa thủy lợi còn khoảng 13% so với dung tích thiết kế.
|
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cư Jút gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết không thuận lợi. Ảnh: AM |
Ông Nguyễn Anh Tú - Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho biết, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch sản xuất sớm hơn mọi năm; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình hạn hán; triển khai các phương án chống hạn cho từng khu vực khi có hạn hán xảy ra; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý. Qua rà soát sơ bộ có trên 1.350ha cây trồng bị ảnh hưởng năng suất. Dự báo giảm năng suất và sản lượng mùa vụ trong năm 2024.
Dù trong khó khăn, chính quyền và nhân dân huyện Cư Jút vẫn kiên trì, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều kết quả trong 6 tháng đầu năm như 7 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, tổng thu Ngân sách trên địa bàn ước đạt 153 tỷ đồng đồng, ước đạt 40% so với dự toán huyện giao, 44% so với dự toán tỉnh giao (trong đó, thu thuế và phí do huyện quản lý 43 tỷ đồng, ước đạt 53% kế hoạch).
|
Một khu dân cư ở Thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút. Ảnh: AM |
Tổng chi ngân sách trên địa bàn ước đạt gần 334 tỷ đồng (kể cả chi ngân sách xã), ước đạt 54% kế hoạch huyện giao; Tổng diện tích gieo trồng hơn 32.900ha, đạt 82%; tổng sản lượng lương thực có hạt trên 69.000 tấn, ước đạt 63% kế hoạch.
Bảo vệ, giữ vững diện tích rừng nằm trong quy hoạch 3 loại rừng trên 36.750ha; tăng cường trồng cây phân tán, độ che phủ rừng đạt 54,82%, đạt 100% kế hoạch. 100% số hộ được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, ước đạt 100% kế hoạch…
Tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường giao thông liên thôn, buôn, bon, tổ dân phố ước đạt 90,93%.
Huy động trẻ trong độ tuổi đến trường ước đạt 98,5%, ước đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS ước đạt 99%, ước đạt 100% kế hoạch; ước xây dựng được 1 trường đạt chuẩn quốc gia, ước đạt 50% kế hoạch. Đào tạo nghề cho 326 trường hợp, ước đạt 47% kế hoạch, giải quyết việc làm cho 429 trường hợp, ước đạt 66% kế hoạch.
|
Tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường giao thông liên thôn, buôn, bon, tổ dân phố ước đạt 90,93%. Ảnh: AM |
Bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn. Công tác gọi thanh niên nhập ngũ theo Luật NVQS đạt 100% kế hoạch tỉnh giao; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 100% KH tỉnh giao. Tăng cường các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông.
Ông Nguyễn Anh Tú - Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho hay, nhờ quyết tâm cao độ của lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện và sự ủng hộ, chung tay của người dân mà địa phương đã hoàn thành được 7 chỉ tiêu quan trọng trên.
Trong 6 tháng, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung, chỉ đạo quyết liệt; các phòng, ban, địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu về giải ngân đầu tư công và thu ngân sách năm 2024; đồng thời, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai nhiệm vụ của kế hoạch năm 2024 với tinh thần và quyết tâm cao nhất.
Ngọc Giàu