Kinh tế đô thị (23.06.2020 14:39)

Xây dựng Cư Jút trở thành điểm sáng toàn diện của tỉnh Đắk Nông

Cư Jút được thành lập theo Quyết định số 227/HĐBT ngày 19-6-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); là địa phương nằm phía bắc của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk năng động, có Quốc lộ 14, Quốc lộ 28 đi qua tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế - văn hóa với các tỉnh Tây nguyên và TP Hồ Chí Minh.

 

Xây dựng Cư Jút trở thành điểm sáng toàn diện của tỉnh Đắk Nông

Thị trấn Ea Tling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).

 

Huyện có dòng sông Sêrêpôk chảy qua với chiều dài khoảng 40km tạo nhiều tiềm năng phát triển thủy điện, du lịch sinh thái gắn với các di tích lịch sử của Công viên địa chất Đắk Nông; có đường biên giới dài khoảng 20km tiếp giáp với huyện Perchamda, tỉnh Muldukiri, Campuchia…

 

Được thành lập với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì; tỷ lệ hộ nghèo cao; đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp tự cung tự cấp; công nghiệp, thương mại - dịch vụ nhỏ lẻ; an ninh nông thôn, biên giới diễn biến phức tạp… đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của vùng đất giàu nghị lực, Ban Chấp hành Đảng bộ đã sớm xác định phương hướng, nhiệm vụ và tập trung lãnh đạo các nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh; nhanh chóng ổn định tổ chức, xác định các khâu tập trung, đột phá, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khắc phục khó khăn từ những ngày đầu thành lập để vững bước đi lên.

 

Từ vùng đất chỉ có khoảng 14.000 dân sống tập trung ven Quốc lộ 14 khi mới thành lập, đến nay dân số toàn huyện phát triển hơn 92.000 người, sinh sống trên tám xã, thị trấn với 23 dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48%. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 9%/năm, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo định hướng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản chiếm 40%, ngành thương mại - dịch vụ chiếm 35%, ngành nông nghiệp chiếm 25%; thu nhập bình quân đầu người đạt 44,9 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách địa phương hằng năm đạt gần 300 tỷ đồng, tăng 118 lần so với khi mới thành lập huyện. Khu công nghiệp Tâm Thắng với diện tích hơn 179ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 90,82%, toàn huyện có 650 cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và 234 công ty, doanh nghiệp, 55 chi nhánh công ty đang hoạt động.

 

Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiều vùng đất khô hạn gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp nên Cư Jút đã tập trung đầu tư phát triển thủy lợi, cải thiện hồ đập, xúc tiến đầu tư lĩnh vực năng lượng, thủy điện, điện mặt trời nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, trên địa bàn đã xây dựng hai dự án điện năng lượng mặt trời với công suất 95 Mwp; sáu dự án thủy điện đang hoạt động; nhiều công trình, dự án về công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến được triển khai góp phần đưa tăng trưởng ngành công nghiệp đạt 10,2%/năm.

 

Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, những năm gần đây Cư Jút đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của người dân; tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 6%, giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 82 triệu đồng.

 

Hệ thống kênh mương, hồ đập thủy lợi đã được đầu tư, nâng cấp bảo đảm nước tưới cho hơn 1.200 ha lúa nước và diện tích gieo trồng hơn 40.000 ha/năm. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả toàn diện, thiết thực; tổng nguồn vốn xã hội huy động cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020 đạt 766,6 tỷ đồng, đến nay đã có 4/7 xã đạt xã nông thôn mới, phấn đấu năm 2020 đạt thêm hai xã nâng tổng số xã nông thôn mới lên 6/7 xã; thị trấn Ea Tling đủ điều kiện công nhận đô thị loại 4; khu vực trung tâm xã Nam Dong được công nhận đô thị loại 5; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và từng bước nâng cao; cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động nông thôn từng bước thay đổi bắt kịp với sự phát triển chung của địa phương và đất nước.

 

Sau 30 năm nhìn lại, lĩnh vực thương mại - dịch vụ đã có sự phát triển vượt bậc, giải quyết nhu cầu việc làm cho nông thôn, đóng góp lớn cho ngân sách; đến nay đã có hơn 3.000 cơ sở thương mại - dịch vụ, siêu thị, nhà hàng, cơ sở lưu trú, bến xe khách loại 4… Hệ thống chợ nông thôn được đầu tư, nâng cấp; quy mô và chất lượng phục vụ ngày càng cao, đáp ứng hàng hóa phục vụ nhân dân; hiện, Cư Jút đang triển khai Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với Công viên địa chất Đắk Nông và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế trong lĩnh vực du lịch; cơ sở hạ tầng du lịch đang được đầu tư, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như làng người Dao, vườn cây ăn trái xã Đắk Wil, văn hóa dân tộc E Đê tại Buôn Nui xã Tâm Thắng, Hồ Trúc, thác Trinh Nữ tại thị trấn Ea Tling… gắn với các điểm dừng chân của Công viên địa chất Đắk Nông tạo thành các tuyến du lịch kết nối giữa Đắk Lắk - Đắk Nông - TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.

 

Hệ thống hạ tầng nông thôn, đô thị, y tế, giáo dục, các công trình phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội và đời sống nhân dân; 100% các tuyến đường huyện, đường liên xã được cứng hóa; 100% thôn, buôn, bon có điện quốc gia; hơn 98% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; Trung tâm Y tế huyện với quy mô 150 giường bệnh, 8/8 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2026, Cư Jút sẽ triển khai xây dựng bệnh viện chuyên sâu quy mô 700 giường bệnh tại thị trấn Ea Tling, nhà máy chế biến và xử lý rác thải tập trung quy mô 100 tấn/ngày tại xã Cư Knia; dự án nhà ở xã hội, khu dân cư tập trung tại thị trấn Ea Tling, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

 

Văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, chất lượng giáo dục được nâng lên, phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi đạt 100%; toàn huyện có 27/48 trường đạt chuẩn quốc gia; chất lượng nguồn nhân lực ngày càng tăng; tỷ lệ cán bộ công chức có trình độ trung cấp trở lên đạt 90%; công tác bảo tồn, khôi phục các lễ hội truyền thống được quan tâm tạo điều kiện để nhân rộng, phát huy; công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được chăm lo; chương trình giảm nghèo, các chính sách đối với người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ; hằng năm, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho gần 2.000 người góp phần ổn định đời sống nhân dân, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,02%. Là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh, Cư Jút đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả công tác xây dựng khu vực phòng thủ huyện, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân - an ninh nhân dân vững chắc, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, an ninh chính trị được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, biên giới quốc gia được bảo đảm, giữ mối quan hệ đối ngoại bền chặt, tốt đẹp với huyện Perchamda, tỉnh Muldukuri và các tỉnh bạn.

 

Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, vận hành đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đạt kết quả tích cực; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ngày càng chuyển biến tích cực, dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, sự phát triển chung của huyện.

 

Trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu đạt được là hết sức quan trọng, là nền tảng vững chắc, động lực để Cư Jút tiếp tục bứt phá vươn lên trở thành huyện trọng điểm, phát triển toàn diện của Đắk Nông. Ghi nhận những kết quả đạt được Cư Jút vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2015). Giai đoạn 2015-2020, huyện tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

 

Bên cạnh thành quả đạt dược, Cư Jút còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức ở chặng đường phía trước đó là: quy mô nền kinh tế còn ở mức thấp; chuyển dịch kinh tế, tăng trưởng kinh tế còn chậm; đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực chưa đáp ứng với tình hình mới… Nhưng với sự quyết tâm, quyết liệt trong hành động, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cư Jút sẽ sớm khắc phục khó khăn, hạn chế, tập trung thực hiện các khâu tập trung, đột phá về cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, quản lý tài nguyên, môi trường, huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển; phấn đấu đến năm 2025, trở thành huyện nông thôn mới và phát triển theo định hướng trở thành thị xã đô thị loại 4 trước năm 2030, đưa Cư Jút trở thành địa phương vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, là điểm sáng toàn diện của tỉnh Đắk Nông.

 

Cư Jút là địa phương có nhiều thế mạnh thu hút nguồn lực đầu tư.

 

NGUYỄN THỊ THANH HÀ

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút

Nguồn: Báo Nhân dân Online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :