Cải cách hành chính (06.04.2020 16:24)

Xây dựng “Chính quyền điện tử” là quá trình phức tạp, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành

Thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14/10/2015 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin-Truyền thông xây dựng và triển khai Dự án “Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông” hướng tới xây dựng “Chính quyền điện tử”, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện quan hệ giữa công dân với cơ quan chính quyền.

 

Kết quả đạt được

 

Mục tiêu chung của dự án là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với quá trình cải cách hành chính, để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị và cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cùng với xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin một cách đồng bộ là đưa vào sử dụng những phần mềm dùng chung để nâng cao năng lực quản lý, điều hành trên môi trường mạng, tạo nền tảng để phát triển “Chính quyền điện tử”.

Người dân tra cứu tình trạng hồ sơ trực tiếp qua ứng dụng Zalo

 

Theo đó, Sở Thông tin-Truyền thông đã triển khai xây dựng kiến trúc “Chính quyền điện tử” tỉnh phiên bản 1.0. Đến nay, 30 sở, ngành, huyện, thành phố đã có trang/cổng thông tin điện tử. 100% sở, ngành, huyện, thành phố và 71/71 xã phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, phần mềm một cửa điện tử.

Cán bộ, công chức, viên chức được cung cấp hộp thư điện tử công vụ. Hệ thống truyền hình trực tuyến được xây dựng tại 9 điểm cầu ở Văn phòng UBND tỉnh và 8 huyện, thành phố. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tích hợp chữ ký số, chứng minh thư số triển khai đồng bộ ở 3 cấp, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, với tỷ lệ đạt trên 90%.

Việc gửi, nhận văn bản điện tử có chữ ký số giữa các cơ quan nhà nước đã phổ biến, giúp giảm thời gian và chi phí, nâng cao mức độ an toàn và bảo mật các giao dịch, thúc đẩy cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã triển khai hệ thống nhắn tin SMS, thanh toán trực tuyến, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tra cứu, giao dịch xử lý hồ sơ trực tuyến. Hệ thống phần mềm hành chính công điện tử cấp tỉnh đã kết nối liên thông dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các bộ, ngành Trung ương triển khai như đăng ký kinh doanh, cấp đổi giấy phép lái xe, lý lịch tư pháp…

 

Còn một số hạn chế nhất định

 

Bên cạnh những điểm mạnh, những chỉ tiêu đã hoàn thành, thực tế việc xây dựng “Chính quyền điện tử” vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến chưa thân thiện, chưa lấy người dân làm trung tâm. Mặc dù số lượng dịch vụ công mức 3, mức 4 đang triển khai ngày càng tăng, nhưng số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ còn thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được tiếp nhận và giải quyết vẫn còn thấp, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 được tiếp nhận và giải quyết tại cấp tỉnh khoảng 43%, cấp huyện và cấp xã chỉ khoảng 1%. Nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đến nay chưa phát sinh hồ sơ điện tử.

Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước của tỉnh, nhất là tuyến xã đã xuống cấp, hư hỏng, cấu hình thấp, không bảo đảm cài đặt hệ điều hành, ứng dụng mới. Tại các cơ quan, đơn vị, hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đã lâu, chưa được nâng cấp tổng thể, ảnh hưởng đến việc triển khai các hệ thống thông tin.

Các đơn vị cũng chưa triển khai các giải pháp bảo mật, phòng chống vi rút, sao lưu, phục hồi dữ liệu, gây nguy cơ về mất an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh chưa được nâng cấp kịp thời để đáp ứng triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh.
Hiện tại, tỉnh chưa có kế hoạch huy động nguồn lực mang tính tổng thể và đủ lớn để bảo đảm thực hiện tin học hóa hệ thống và cao hơn là xây dựng “Chính quyền điện tử”.

 

Cần các giải pháp tổng thể

 

Theo lãnh đạo Sở Thông tin-Truyền thông, xây dựng “Chính quyền điện tử” là quá trình phức tạp, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, cần phải có các giải pháp tổng thể. Trước hết, việc ứng dụng công nghệ thông tin cần gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO. Bên cạnh đó, chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin cần được nâng cao, bảo đảm đường truyền viễn thông, an toàn thông tin, nhất là phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ở cấp xã, khu vực miền núi của tỉnh.

Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh cần tập trung xây dựng, triển khai, tạo nền tảng kết nối thông suốt, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống phần mềm và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ cấp tỉnh đến xã/phường. Trong thời gian tới, tỉnh cần bố trí ngân sách xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu để triển khai theo phương án tập trung. Cụ thể như xây dựng các cơ sở dữ liệu nền, dùng chung toàn tỉnh như cơ sở dữ liệu đất đai, dân cư, doanh nghiệp, làm cơ sở cho việc xây dựng các hệ thống thông tin quản lý, nhằm mục đích đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, môi trường điện tử cần thiết lập để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp. Việc đánh giá nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin ở cả 3 cấp cần được quan tâm, chú trọng để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với lộ trình xây dựng “Chính quyền điện tử”. Mạng lưới wifi tại các địa điểm công cộng, cơ quan công quyền cũng cần được xây dựng nhằm phục vụ cho nhu cầu sử dụng các ứng dụng “Chính quyền điện tử” của người dân và doanh nghiệp. Người dân, doanh nghiệp cũng phải được tuyên truyền, hướng dẫn về lợi ích của việc thực hiện các thủ tục hành chính qua hệ thống “Chính quyền điện tử”…

 

Bài, ảnh: Hoàng Thanh

Theo Đăk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :