Kinh tế đời sống (28.10.2019 14:21)

Tuy số tiền vay cho mỗi mô hình chưa nhiều, nhưng từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã giúp nhiều thanh niên tại huyện Cư Jút (Đắk Nông) từng bước lập nghiệp và có cuộc sống ổn định.

Vốn ưu đãi “tiếp sức” cho thanh niên Cư Jút

 

Điểm sáng ở Trúc Sơn

Đầu năm 2017, gia đình anh Mai Xuân Thủy, ở thôn 3, xã Trúc Sơn được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện theo chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Với vốn vay từ ngân hàng kết hợp cùng nguồn vốn tự có của gia đình, anh Thủy đã đầu tư vào mô hình trồng hoa đồng tiền, với quy mô hơn 3 sào. Để việc sản xuất đạt hiệu quả, anh Thủy đã đi học tập kinh nghiệm tại nhiều mô hình trồng hoa ở Đà Lạt.

Hơn 3 sào hoa đồng tiền của gia đình anh Mai Xuân Thủy mang về nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm

Theo anh Thủy, trồng hoa đồng tiền tốn chi phí đầu tư ban đầu khá lớn do phải xây dựng hệ thống nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt… Hiện tại, với 3 sào hoa được chăm sóc bài bản, mỗi năm mang về cho gia đình anh Thủy nguồn thu hơn 200 triệu đồng.

Anh Thủy cho biết thêm: Gia đình tôi đang ý định sẽ mở rộng quy mô để tăng thêm nguồn thu. Vì thế, tôi hi vọng có thể tiếp cận thêm nguồn vốn từ một số chương trình khác nữa để đầu tư. Bởi vốn vay từ NHCSXH với lãi suất thấp, kỳ hạn vay tương đối dài nên khi đầu tư sẽ đỡ áp lực cho gia đình.

Cũng đi lên bằng nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, hộ anh Nguyễn Đình Văn, ở thôn 3, xã Trúc Sơn đã có nguồn thu nhập ổn định từ nuôi chim trĩ đuôi đỏ. Được biết, giữa năm 2018, anh Văn được vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện.

Có vốn, anh Văn tiến hành làm chuồng trại và mua 30 cặp giống chim trĩ đuôi đỏ về nuôi. Vì đây là mô hình khá mới trên địa bàn tỉnh nên anh đã sang tận Kon Tum, Gia Lai để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình, đến nay, số lượng chim trĩ của gia đình anh luôn duy trì từ 70-80 cặp trong chuồng. Bước đầu, nguồn thu từ bán giống chim trĩ và thịt chim trĩ đã tạo cho gia đình có nguồn vốn để xoay vòng và tái đầu tư.

Anh Văn chia sẻ: “Thuận lợi nhất trong mô hình nuôi chim trĩ đuôi đỏ là tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên. Hơn nữa, đây là mô hình mới nên thị trường trong tỉnh đang rất ưa chuộng. Với khởi đầu thuận lợi như thế này, gia đình rất tự tin trong việc tạo ra nguồn thu để trả lãi, nợ gốc cho ngân hàng khi đến hạn”.

Toàn xã Trúc Sơn hiện có 118 hộ gia đình vay vốn ngân hàng ủy thác qua Đoàn Thanh niên, với dư nợ gần 4,8 tỷ đồng. Hầu hết, các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả và không bị nợ quá hạn.

Chị Nguyễn Duy Ánh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trúc Sơn cho biết: “Hằng năm, dựa trên nhu cầu của các thanh niên, chúng tôi sẽ rà soát, tổng hợp, đề nghị NHCSXH xem xét cho vay vốn. Mỗi hộ gia đình khi được vay vốn đều có phương án đầu tư, sản xuất phù hợp điều kiện của mình. Riêng về phía Đoàn Thanh niên xã thường xuyên sâu sát, kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ".

Mô hình nuôi chim trĩ đuôi đỏ của anh Nguyễn Đình Văn đang phát triển thuận lợi

Ưu tiên những mô hình hiệu quả

Theo Huyện đoàn Cư Jút, so với các tổ chức đoàn thể khác, vốn ưu đãi từ NHCSXH cho vay ủy thác qua Đoàn Thanh niên chưa nhiều. Tuy nhiên, những năm qua, từ nguồn vốn này đã xuất hiện nhiều gương đoàn viên, thanh niên tiêu biểu vượt khó, vươn lên làm giàu.

“Do không phải thế chấp và lãi suất ưu đãi, thời gian vay phù hợp nên nguồn vốn của NHCSXH đã thực sự “tiếp sức” để Huyện đoàn đẩy mạnh, phát triển 2 phong trào lớn của Đoàn là “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội” và “4 đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp””, chị Trần Thị Thuý Vân, Bí thư Huyện đoàn Cư Jút khẳng định.

 

Tính đến hết tháng 9/2018, tổng dư nợ qua Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút là 365 tỷ đồng, với hơn 9.700 hộ gia đình được vay vốn. Trong đó, riêng nguồn vốn ủy thác qua Đoàn Thanh niên là 89 tỷ đồng, với hơn 2.450 gia đình được vay, thông qua 57 tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV). Nợ quá hạn tại Đoàn Thanh niên chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ.

 

Đánh giá về nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ cho các đoàn viên, thanh niên tại địa phương, ông Phạm Xuân Thành, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Jút cho hay: Để phát huy hiệu quả vốn vay ủy thác, đơn vị luôn phối hợp tốt với Huyện đoàn trong việc cho vay, quản lý nguồn vốn, củng cố các tổ TK&VV tại cơ sở. Hàng năm, Phòng giao dịch đều xây dựng kế hoạch, phối hợp Huyện đoàn tổ chức kiểm tra, giám sát các tổ TK&VV do Huyện đoàn quản lý. Cán bộ ngân hàng phụ trách địa bàn thường xuyên xuống dự họp với tổ TK&VV để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, đôn đốc thành viên nộp lãi, trả nợ, huy động đóng tiền tiết kiệm đúng quy định.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục sắp xếp, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, nhất là coi trọng việc quản lý nợ và thu hồi nợ quá hạn. Đơn vị cũng thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu về vốn để có hình thức ưu tiên, hỗ trợ vay vốn cho các thanh niên có cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, phía ngân hàng cũng sẽ chủ động phối hợp với địa phương mở các lớp chuyển giao kỹ thuật, tập huấn kiến thức về xây dựng mô hình kinh tế để thanh niên có thêm cơ hội học hỏi và áp dụng vào thực tiễn”, ông Thành thông tin thêm.

Bài, ảnh: Nguyễn Lương

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :