Một hồ nước nhân tạo cách Buôn Ma Thuột 18km, thấy dân câu cá ngon, trên bờ thiên hạ nướng gà thơm phức
Cách thành phố Buôn Ma Thuột (trung tâm hành chính tỉnh Đắk Lắk) khoảng 18km, có một hồ nước đẹp như phim, cảnh quan thơ mộng và không gian yên bình. Đặc biệt, nơi đây còn là thiên đường của các "cần thủ" với mặt hồ rộng lớn, còn dân tình thì thoải mái đến nơi này vui chơi, ăn uống mà chẳng lo tốn phí.
Nằm ngay trung tâm thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), Hồ Trúc không chỉ là một hồ nước nhân tạo mà còn là điểm đến đầy thơ mộng của tỉnh Đắk Nông.
Toàn cảnh Hồ Trúc, thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) nhìn từ trên cao – Một góc nhìn toàn cảnh giúp thấy rõ sự hòa hợp giữa rừng cây và mặt nước.
Với rừng cây xanh mát, những con đường uốn lượn bên mặt nước yên ả, cảnh quan Hồ Trúc mang đến vẻ đẹp hoang sơ nhưng đầy sức sống.
Không chỉ là chốn thư giãn lý tưởng, Hồ Trúc còn được định hướng phát triển thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn, hứa hẹn trở thành điểm nhấn mới của du lịch Tây Nguyên.
Hồ Trúc cách thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) khoảng 90km và chỉ cách TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng 18km, nổi bật với không gian xanh mát và cảnh quan tựa tranh vẽ.
Được xây dựng từ những năm 1980 với mục đích trữ nước tưới tiêu, đến những năm 1990, hồ được mở rộng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.
Những cây cọ, bụi trúc ven hồ.
Màu trời phản chiếu xuống mặt nước Hồ Trúc tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Với tổng diện tích 22,5ha, trong đó mặt nước chiếm gần 12ha, Hồ Trúc mang vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa lãng mạn.
Những hàng cây soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng, những con đường quanh co tạo nên một không gian thanh bình, tách biệt khỏi nhịp sống ồn ào.
Đặc biệt, khu rừng trúc nơi đây đã tồn tại hơn 100 năm, góp phần tạo nên nét đặc trưng riêng của khu vực này.
Năm 2008, một doanh nghiệp được giao thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Hồ Trúc, nhưng do hiệu quả không như mong đợi, UBND tỉnh đã thu hồi dự án vào năm 2014 và giao lại cho Phòng NNPTNT huyện quản lý.
Vào đầu mùa khô ở Tây Nguyên, 1 số loại cây như cây dầu xung quanh Hồ Trúc thay lá tạo nên bức tranh đa sắc màu.
Trên bán đảo của Hồ Trúc là cánh rừng rậm rạp với rất nhiều lại cây gỗ quý như sao đen, bằng lăng, dầu, cọ và đặc biệt là những bụi cây trúc.
Theo người dân địa phương, tên huyện "Cư Jút" trong tiếng Êđê có nghĩa là "Núi trúc". Trước năm 1975, toàn bộ khu vực này từng là một khu rừng nguyên sinh rậm rạp, trong đó trúc mọc dày đặc. Về sau, khi cộng đồng người Êđê và M'nông đến đây định cư, diện tích rừng trúc dần bị thu hẹp.
Ngày nay, hệ thống đường dẫn vào bán đảo đã được kiên cố hóa, giúp du khách dễ dàng tiếp cận. Một trong những trải nghiệm thú vị nhất là đi bộ qua cây cầu bắc ngang Hồ Trúc– điểm check-in thơ mộng thu hút nhiều bạn trẻ.
Ngoài ra, du khách có thể thong dong dưới những tán cây xanh, tận hưởng bầu không khí trong lành và ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ.
Anh Võ Ngọc Huy, một cư dân thị trấn Ea T'ling, chia sẻ: "Sáng nào tôi cũng chạy bộ quanh hồ. Không khí trong lành, cây cối xanh mát khiến tôi cảm thấy như được hòa mình vào thiên nhiên. Đây thực sự là nơi lý tưởng để thư giãn và rèn luyện sức khỏe."
Rất nhiều người vui vẻ cười nói cùng những ly cà phê bên bờ hồ.
Không chỉ là địa điểm lý tưởng để rèn luyện sức khỏe hay tổ chức dã ngoại, Hồ Trúc còn là chốn dừng chân hoàn hảo để tận hưởng những phút giây an yên. Anh Nguyễn Ngọc Châu, một vị khách quen của các quán ven hồ, vui vẻ nói:
"Tôi rất thích ngồi nhâm nhi ly cà phê, phóng tầm mắt ra mặt hồ phẳng lặng, lắng nghe tiếng chim hót líu lo.
Cảm giác ấy thật bình yên và thư thái, giúp tôi quên đi những bộn bề của cuộc sống. Ngoài ra, những dịp nghỉ lễ, tôi thường cùng bạn bè, gia đình tụ tập giữa bán đảo, vừa nướng gà vừa đàn hát rộn ràng, ở đây vừa gần nhà, mà lại chẳng tốn phí, phải nói là quá đã."
Với diện tích mặt nước rộng, Hồ Trúc cũng là điểm đến yêu thích của những người đam mê câu cá. Anh Trần Trung Dũng chia sẻ: "Năm ngoái, có người câu được một con cá mè gần 40kg tại đây.
Còn tôi, vào sáng mùng 5 Tết Nguyên Đán, đã ra hồ "khai cần" đầu năm và may mắn câu được một con cá mè nặng 6kg."
Hồ Trúc có 12ha mặt nước, là nơi được rất nhiều "cần thủ" yêu thích.
Theo ông Phạm Hoàng Thanh, Phó Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cư Jút, địa phương đang lập dự án "Khu du lịch sinh thái Hồ Trúc" nhằm khai thác tối đa lợi thế cảnh quan thiên nhiên.
Dự án hướng đến việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.
Cư Jút cũng đang đẩy mạnh du lịch cộng đồng, từng bước đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Đắk Nông, thu hút du khách trong và ngoài nước.
"Chúng tôi hướng đến việc xây dựng Hồ Trúc trở thành điểm nhấn đặc sắc của du lịch địa phương, đồng thời kết nối với các tour du lịch trong tỉnh.
Qua đó, không chỉ nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa", ông Thanh nhấn mạnh.
Nhiều người dân chạy bộ quanh khu vực Hồ Trúc dừng lại nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
Khu vực này từng là một khu rừng rậm rạp, với những bụi trúc mọc dày đặc nên đã được đặt tên là Hồ Trúc.
Nguồn: Công Nam - Dân Việt