Kinh tế đời sống (09.08.2019 09:36)

Thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng: Ý Đảng làm thỏa nguyện lòng dân

Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW (Chỉ thị 40) ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhiều vùng quê tại Đắk Nông đã thực sự khởi sắc. Điều đáng ghi nhận là công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực; đời sống của người dân từng bước cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên.

Kỳ 1: Đảng gần dân, sát dân

Triển khai Chỉ thị 40 với việc tăng cường sự tham gia lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo tại các vùng khó khăn.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô giao dịch với người dân xã Quảng Phú

Nhiều “điểm sáng” tín dụng chính sách

Xã Nam Đà (Krông Nô) là một trong những địa phương thực hiện khá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Toàn xã Nam Đà hiện có gần 1.400 hộ gia đình được vay vốn qua NHCSXH, với dư nợ gần 45 tỷ đồng. So với thời điểm cuối 2014 (thời điểm chưa có Chỉ thị 40), nguồn vốn cho vay tăng hơn 27 tỷ đồng, và tăng hơn 760 hộ vay. Đáng mừng, tỷ lệ nợ quá hạn của xã chỉ chiếm 0,05% dư nợ, mức thấp nhất tại các địa phương trong tỉnh.

Theo đồng chí Phạm Ngọc Ánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Đà, có được kết quả này, trước hết phải nhờ đến sự vào cuộc kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy xã. Cụ thể, sau khi có Chỉ thị 40, Đảng ủy xã Nam Đà đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02 ngày 3/4/2015 "Về tăng cường tín dụng chính sách để triển khai thực hiện Chỉ thị 40". Đảng ủy chỉ đạo tổ chức họp các chi bộ trực thuộc để triển khai, định hướng thực hiện hiệu quả nghị quyết chuyên đề. Cùng với đó, UBND xã Nam Đà đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện Krông Nô nâng cao hoạt động bình xét, giải ngân vốn vay.

Đặc biệt, hàng năm, khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình vay vốn, sử dụng vốn, được Đảng ủy xã Nam Đà quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Nhờ đó, số hộ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế ngày càng tăng cao. Tình trạng chây ì, nợ lãi hàng tháng, nợ gốc khi đến kỳ hạn của các hộ vay được kiềm chế đến mức thấp nhất. Nguồn vốn chính sách khi đến với hộ nghèo, cận nghèo, gia đình thuộc diện chính sách đa phần được thực hiện hiệu quả, góp phần rất lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Nếu như năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 10% thì đến năm 2018, con số đó giảm xuống còn 4,4%. Dự kiến cuối năm 2019, toàn xã phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,2%. Đây là số tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện.

Gia đình bà Bùi Thị Quỳnh, xã Quảng Phú (Krông Nô) được vay vốn từ NHCSXH huyện để đầu tư vào hệ thống nước sạch hợp vệ sinh

Cũng là một địa phương thực hiện khá hiệu quả Chỉ thị 40, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình nghèo được vay vốn ưu đãi để làm ăn. Đây cũng là địa bàn duy nhất của huyện Đắk R’lấp không có nợ quá hạn với NHCSXH đến thời điểm hiện tại. Đồng chí Điểu M’Bơn, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Tín cho biết: “Điểm mấu chốt trong thực hiện Chỉ thị 40 mà địa phương đã làm được chính là phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương”.

Theo ông Điểu M’Bơn, dựa trên Nghị quyết số 14 ngày 26/4/2015 "Về nâng cao chương trình tín dụng chính sách tại cơ sở" mà Đảng ủy ban hành, các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền địa phương đã "xắn tay" thực hiện. Hàng năm, Đảng ủy xã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chi bộ về giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nhờ vay vốn ưu đãi. Trên cơ sở này, UBND xã Quảng Tín đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch để thực hiện. Địa phương đã phối hợp với NHCSXH huyện Đắk R'lấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ Tiết kiệm và Vay vốn, hộ dân nằm trong diện chính sách hiểu rõ chủ trương, chính sách, quy định của các chương trình tín dụng sách xã hội đang triển khai. Đối với các tổ Tiết kiệm và Vay vốn, xã giao trách nhiệm cụ thể để tiến hành theo dõi thường xuyên việc sử dụng nguồn vốn vay của người dân. Vì thế, nhiều hộ dân còn nợ quá hạn đã nâng cao trách nhiệm của mình, phấn đấu từng bước trả hết nợ vay. Đến nay, toàn xã có gần 1.000 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, với dư nợ tại NHCSXH là gần 35 tỷ đồng. So với năm 2014, nguồn vốn cho vay tăng 20 tỷ đồng và gần 650 hộ vay vốn.

Theo đánh giá của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, tín dụng chính sách trên địa bàn có nhiều chuyển biến rõ nét. Thực trạng cho vay ké, vay sai đối tượng được kiềm chế rõ rệt. Tình trạng lạm dụng chức vụ công tác để chiếm đoạt vốn của Nhà nước như trước đây không còn xảy ra. Việc một số người dân sử dụng vốn không đúng mục đích được chấn chỉnh.

Cán bộ NHCSXH huyện Đắk Mil đến thăm hỏi, tư vấn việc sử dụng vốn vay của hộ gia đình tại xã Thuận An

Chuyển biến rõ nét 

Nói về tình hình thực hiện Chỉ thị 40, ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông cho biết: Sau khi cấp trên triển khai Chỉ thị 40, đơn vị đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 40 tại NHCSXH. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng theo tinh thần Chỉ thị 40. Hàng năm, sau khi nguồn vốn từ Trung ương phân bổ, cộng với nguồn lực địa phương, đơn vị đã tập trung giải ngân cho vay. Quá trình bình xét, cho vay, giải ngân, kiểm tra sử dụng vốn… tại cơ sở luôn được các phòng giao dịch trực thuộc thực hiện sâu sát. Trong quá trình triển khai, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại các địa bàn.

Cho đến thời điểm này, các tổ chức cơ sở đảng trên toàn tỉnh đều đã triển khai thực hiện Chỉ thị 40 một cách nghiêm túc, có hiệu quả. Theo đánh giá của Tỉnh ủy, Chỉ thị 40 đã thực sự đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác tín dụng chính sách cũng vì thế mà được nâng cao hiệu quả hơn. Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, đánh giá: Mỗi tổ chức cơ sở đảng đã thực sự phát huy trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 40. Minh chứng cho điều này là sau khi cấp trên ban hành Chỉ thị 40, mỗi đơn vị đã xây dựng, triển khai, ban hành nhiều nghị quyết thực hiện. Các tổ chức cơ sở đảng cũng đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả Chỉ thị này. Nhờ đó, sau 5 năm triển khai Chỉ thị 40, nguồn vốn cho vay ưu đãi, chất lượng tín dụng, số hộ được vay vốn trong toàn tỉnh tăng gấp nhiều lần so với năm 2014.

Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện, bà Trương Thị Hướng, xã Nam Đà (Krông Nô) đầu tư vào mô hình chăn nuôi dê

Cũng theo đồng chí Nguyễn Đình Trung, sau khi có Chỉ thị 40, Tỉnh ủy đã ban hành Thông báo số 1901 ngày 31/12/2014 để triển khai thực hiện. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản 350 ngày 23/1/2015 chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao tổ chức vào cuộc thực hiện Chỉ thị 40. Các địa phương đã cùng với hệ thống NHCSXH tổ chức thực hiện, giám sát, nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Đặc biệt, việc ưu tiên nguồn lực bổ sung để hỗ trợ cho vay đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Hàng năm, ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương đã xây dựng nghị quyết quy định bố trí nguồn lực nhất định để bổ sung thêm nguồn vốn cho vay. Chỉ riêng giai đoạn 2014-2019, nguồn ngân sách của tỉnh và các huyện trích ra ủy thác cho NHCSXH tỉnh cho vay là hơn 76 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, trên địa bàn đã có hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các hộ nằm trong diện chính sách được vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

 

Tính đến hết 30/6/2019, tổng nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 2.600 tỷ đồng, nợ quá hạn còn 0,2% tổng dư nợ, với gần 70.000 hộ gia đình được vay vốn. So với cuối năm 2014, con số cho vay tăng hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 11.860 hộ vay và nợ quá hạn giảm 0,67%.

 

Bài, ảnh: Lương Nguyên

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :