Nông nghiệp phát triển nông thôn (17.09.2020 14:08)

Thanh niên Cư Jút được "chắp cánh" khởi nghiệp, phát triển kinh tế

Thời gian qua, huyện Cư Jút đã triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên. Nhờ đó, nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp đã và đang phát triển tốt, tạo sự lan tỏa tại địa phương.

 

Tháng 6/2020, chị Mai Thị Hường, ở thôn 4, xã Trúc Sơn (Cư Jút) được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông. Sau khi vay vốn, chị đầu tư mua thêm máy may công nghiệp, mở rộng cơ sở sản xuất may mặc.

 

Theo chị Hường, cơ sở của chị nhận may quần, áo gia công cho các đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh. Cứ vài ngày, chị lại xuất khoảng 1.000 sản phẩm đi tiêu thụ. Sau khi mở rộng sản xuất, cơ sở của chị Hường đang tạo việc làm cho khoảng 30 lao động, với mức thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Mô hình nuôi lan cấy mô của gia đình anh Trần Liên Hiệp, ở xã Nam Dong, bước đầu thể hiện tính hiệu quả, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình (Ảnh: Đặng Hiền)

 

Khác với chị Hường, anh Trần Liên Hiệp, ở thôn 12, xã Nam Dong (Cư Jút) vay 50 triệu đồng từ kênh giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn. Với số vốn ban đầu và số tiền vay thêm, gia đình anh đã phát triển mô hình nuôi cây lan bằng phương pháp cấy mô khá bài bản. Thời gian qua, anh Hiệp đã nuôi cấy nhiều giống lan có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm lan cấy mô của anh Hiệp đã nhanh chóng được nhiều người biết đến, tìm mua và mang lại thu nhập cao cho gia đình.

 

Theo lãnh đạo Huyện đoàn Cư Jút, những năm qua, các mô hình kinh tế của đoàn viên thanh niên trên địa bàn duy trì ổn định và phát triển tốt, tăng theo từng năm. Ngoài 2 mô hình trên, tại huyện đã có 10 mô hình đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế khác rất hiệu quả. Phần lớn các mô hình khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

 

Để đẩy mạnh phong trào đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, Huyện đoàn Cư Jút đã tập trung tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi, điển hình đến đông đảo các nhóm hội thanh niên. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tập trung tuyên truyền, vận động thanh niên học nghề. Thời gian qua, Huyện đoàn Cư Jút đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức định hướng nghề nghiệp cho 2.500 đoàn viên thanh niên; tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật cho 2.000 đoàn viên thanh niên; tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp cho 100 đoàn viên thanh niên và tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, làm phóng sự, video… trên báo đài địa phương, mạng xã hội.

 

Huyện đoàn Cư Jút còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Cư Jút giải ngân kịp thời các nguồn vốn vay giải quyết việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp của Trung ương, của tỉnh để đoàn viên thanh niên thuận lợi hơn trong quá trình khởi nghiệp. Với phương châm “Mỗi đoàn viên thanh niên là một ý tưởng sáng tạo, mỗi chi đoàn là một hộp thư ý kiến, mỗi cơ sở đoàn là một vườn ươm sáng tạo”, tuổi trẻ Cư Jút đã đăng ký 1.867 ý tưởng sáng tạo.

 

Các chương trình tuyên truyền về chính sách việc làm, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được huyện Cư Jút thường xuyên tổ chức, thu hút nhiều ĐVTN tham gia

 

Theo Bí thư Huyện đoàn Cư Jút Trần Thị Thúy Vân, thời gian qua, lực lượng đoàn viên thanh niên của huyện luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Phần lớn các mô hình thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn đều phát triển tốt và ngày càng được mở rộng. Trong số đó, có một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên địa phương.

 

Tuy nhiên, phong trào thanh niên khởi nghiệp tại Cư Jút cũng đang gặp không ít khó khăn. Do còn hạn chế về trình độ, năng lực quản lý, điều hành và đặc biệt là thiếu vốn đầu tư, đa số mô hình khởi nghiệp của thanh niên có quy mô nhỏ, chưa bền vững.

 

“Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tổ chức thêm nhiều diễn đàn giao lưu với những chuyên gia, doanh nhân thành đạt, những nhà nông tiêu biểu… nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về khởi nghiệp và tạo ra sự kết nối với đoàn viên thanh niên tại địa phương. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế trong thanh niên, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan kêu gọi thêm các nguồn lực từ xã hội cho các mô hình thanh niên có tính khả thi. Hy vọng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, sẽ có thêm nhiều đoàn viên thanh niên được hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo ra sự lan tỏa trong phong trào khởi nghiệp tại địa phương”, chị Vân cho hay.

 

Lê Phước

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :