Kinh tế đời sống (30.09.2019 13:33)

Tập trung phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) có dấu hiệu diễn biến phức tạp, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Cư Jút kiểm tra hóa chất tiêu độc khử trùng trước khi phân bổ về cho các địa phương

Cuối tháng 7/2019, gia đình ông Đặng Chu Tài, ở tổ dân phố 1, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) phát hiện đàn lợn của gia đình có dấu hiệu bị bệnh và trình báo với cơ quan chức năng. Sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra và xác định có 15 con lợn của gia đình ông Tài bị dương tính với DTLCP. Toàn bộ đàn lợn 70 con với tổng trọng lượng trên 1,6 tấn của gia đình ông Tài sau đó đã được tiêu hủy theo quy định. Theo xác định cơ quan chuyên môn, đàn lợn của gia đình ông Tài có thể bị nhiễm dịch bệnh từ một trại lợn nhiễm bệnh ở địa bàn xã Đắk Sôr (Krông Nô).

Ổ dịch DTLCP tại gia đình ông tài được ghi nhận là ổ dịch đầu tiên tại huyện Cư Jút. Không lâu sau đó, huyện Cư Jút đã xác định thêm 2 ổ dịch nữa tại thị trấn Ea T’ling và xã Trúc Sơn. Đến ngày 19/8/2019, toàn huyện đã phát hiện 3 ổ dịch, tiêu hủy 134 con lợn nhiễm bệnh DTLCP, với tổng trọng lượng trên 7,2 tấn. Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong khoảng thời gian đầu tháng 9/2019 và đến nay đã xuất hiện tại 13 hộ gia đình chăn nuôi ở 5 xã, thị trấn trên địa bàn Cư Jút. Ngành chức năng trên địa bàn đã tổ chức tiêu hủy 308 con lợn mắc bệnh, với tổng trọng lượng trên 17,3 tấn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng các trang trại phát hiện dịch bệnh

Ngay từ khi phát hiện ổ DTLCP đầu tiên, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Cư Jút đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phun tiêu độc khử trùng toàn bộ trang trại, các hộ chăn nuôi trong tổ dân phố và các thôn, bon có dịch. Đơn vị cũng tiến hành cấp phát vật tư, hóa chất cho các xã, thị trấn để phân bổ cho hộ chăn nuôi triển khai tiêu độc khử trùng. Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống bệnh DTLCP cho người chăn nuôi tại các vùng có nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Ngoài chốt kiểm dịch động vật của tỉnh đặt trên quốc lộ 14 đoạn đi qua xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút cũng duy trì chốt kiểm dịch liên ngành tại xã Ea Pô. Hai chốt này giúp kiểm soát tốt tình hình vận chuyển động vật, sản phẩm động vật khác từ các tỉnh lân cận sang.

Rải vôi tại khu vực chốt kiểm dịch động vật, đặt tại xã Ea Pô (Cư Jút)

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT Cư Jút Hồ Sơn, để phòng chống dịch bệnh, công tác tiêu độc khử trùng được xem là vấn đề cốt lõi. Trong khi đó, ý thức của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vấn đề này còn chưa cao. Nhiều hộ dân được phát hóa chất khử trùng nhưng không phun vì chủ quan, lơ là. Bởi vậy, dịch bệnh có cơ hội xâm nhiễm vào các cơ sở, trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ. Riêng đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công tác phòng, chống dịch bệnh được đặc biệt quan tâm nên chưa xuất hiện dịch bệnh.

 

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, hiện toàn huyện có trên 100.000 con lợn, chiếm gần 50% số lượng lợn toàn tỉnh. Ngoài trang trại của Công ty TNHH Green Farm Asia, ở xã Cư K’nia với khoảng 35.000 con, trên địa bàn có hàng chục cơ sở, hộ chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Các trang trại này đầu tư bài bản, chăn nuôi khép kín và duy trì tốt công tác phòng dịch nên chưa bị dịch bệnh xâm nhập.

 

Cũng theo ông Sơn, để phòng chống, dịch bệnh hiệu quả, các cơ sở và người chăn nuôi cần phải thực hiện “5 không”, gồm: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn dịch; không giết mổ lợn dịch bệnh; không vứt xác lợn dịch bừa bãi và không dùng thức ăn rác (thu gom tại các quán ăn, nhà hàng) cho đàn lợn. Nhưng trên thực tế, nhiều cơ sở chăn nuôi và người dân vẫn còn tình trạng vi phạm “5 không” nói trên.

“Hiện tại, chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đối với những xã chưa có dịch, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng các phương án phòng, chống; tiến hành rà soát, thống kê tổng đàn trên địa bàn để giám sát tốt tình hình dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp tiêu độc, khử trùng bảo vệ đàn lợn… Chúng tôi cũng đang tham mưu UBND huyện yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn trái phép và điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vứt xác lợn chết trên địa bàn”, ông Sơn cho hay.

Bài, ảnh: Lê Phước

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :