Kinh tế đời sống (02.10.2019 14:40)

Quyết tâm nâng hạng chỉ số gia nhập thị trường

Trong 10 chỉ số thành phần về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đắk Nông, chỉ số gia nhập thị trường liên tục giảm điểm trong 5 năm qua (2014-2018). Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho PCI của tỉnh không đạt mục tiêu đề ra.

Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Ân Lâm (Đắk R'lấp)

Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số GNTT năm 2018 của Đắk Nông đạt 6,52 điểm, giảm 0,54 điểm, giảm 1 bậc so với năm 2017 và đứng thứ 60 trong bảng xếp hạng PCI cả nước. Kết quả này không đạt chỉ tiêu, kế hoạch do tỉnh đề ra.

Năm 2018, tỉnh đặt ra 10 chỉ tiêu phấn đấu để cải thiện chỉ số PCI. Các chỉ tiêu này đều do Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh làm đầu mối triển khai thực hiện. Kết quả, chỉ có 2 chỉ tiêu đạt được kế hoạch đề ra là: Tỷ lệ doanh nghiệp làm thủ tục qua phương thức mới (tăng 21%) và Thủ tục được niêm yết công khai (tăng 2%). Những chỉ tiêu còn lại đều "giẫm chân tại chỗ", thậm chí có những chỉ tiêu bị tụt lại, trong đó phải kể đến chỉ số GNTT.

Mặc dù vẫn ở mức khung điểm trên 6 (trên trung bình), nhưng xét về mọi góc độ thì chỉ số này không đạt so với kế hoạch ban đầu. Trong khi đó, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, GNTT là chỉ số rất dễ phấn đấu hoàn thành. Bởi nó có các chỉ tiêu định lượng rõ ràng, tập trung trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh là chính.

Các doanh nghiệp sẽ sớm được gia nhập thị trường khi các thủ tục hành chính liên quan được giải quyết nhanh gọn

Thực tế, thời gian qua, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để giúp doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục và chính thức đi vào hoạt động chưa được thực hiện tốt. Theo báo cáo của VCCI, ngoài giấy chứng nhận đăng ký, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục hành chính xin cấp một số giấy tờ cần thiết để hoàn tất, đi vào hoạt động, bao gồm: Giấy phép phòng cháy chữa cháy; các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện; các loại giấy chứng nhận sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; giấy phép quảng cáo… Đây là những thủ tục hành chính có thể bị kéo dài từ 1-3 tháng mới hoàn thành, tùy vào từng loại hình kinh doanh.

Ngoài ra, kết quả khảo sát của VCCI cũng thấy rằng, cán bộ thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận và trả thủ tục hành chính trong những năm qua còn thiếu am hiểu chuyên môn (-25% điểm), thiếu thân thiện, chưa nhiệt tình (-8% điểm), mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận hồ sơ chưa cao (-38% điểm).

 

Chỉ số GNTT hiện đang chịu sự chi phối trực tiếp bởi Trung tâm Hành chính công và Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư). Hai đơn vị này chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quy trình thủ tục hành chính một cửa liên thông. Ngoài ra, các cơ quan khác cũng có liên quan như thuế, tài nguyên và môi trường, UBND huyện, thị xã, cơ quan công an…

 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để cải thiện và nâng hạng cho chỉ số GNTT, trong thời gian tới, đơn vị đang tập trung tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để tổ chức và cá nhân có những hiểu biết cơ bản nhất về quy trình giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.

Mặt khác, đơn vị sẽ phối hợp cấp mã số thuế kịp thời và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc mua hóa đơn, in hóa đơn, kê khai nộp thuế. Đơn vị cũng sẽ tham mưu để tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc bãi bỏ các loại thủ tục không cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP của Chính phủ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nhanh các thủ tục đăng ký mẫu dấu, bố cáo thành lập và công khai minh bạch các thủ tục hành chính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được tăng cường, góp phần nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng…

Bài, ảnh: Lê Dung

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :