Nông nghiệp phát triển nông thôn (27.02.2020 15:50)

Phòng, chống hạn hán mùa khô 2020: Nhiệm vụ vừa trước mắt vừa lâu dài

Những năm gần đây, mùa khô đang có xu hướng diễn ra ngày càng gay gắt, gây ra hạn hán, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của người dân. Do đó, việc triển khai các giải pháp để phòng, chống hạn được tỉnh Đắk Nông xác định là nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài.

 

Mùa khô ngày càng khốc liệt

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Nông, xu hướng mùa khô diễn ra ngày càng khốc liệt trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-15 ngày. Tổng lượng mưa đo được từ khoảng 1.400 mm - 2.900 mm.

Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh lắp đặt các máy bơm dự phòng tại các trạm bơm bị hụt nước dọc sông Krông Nô để chống hạn

So với trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa năm 2019 đạt từ 71-113%. Đặc biệt, khu vực thường bị khô hạn là phía Bắc tỉnh (Krông Nô, Cư Jút) lượng mưa chỉ đạt từ 72-89% so với trung bình nhiều năm. Lượng mưa ít, nền nhiệt độ trong các tháng cũng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,3 độ C - 2 độ C. Mưa ít, nền nhiệt độ cao, dẫn đến mùa khô trở nên gay gắt hơn…

Còn theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, đơn vị đang quản lý 238 hồ chứa, với tổng dung tích thiết kế 135 triệu m3. Đến nay, mực nước trung bình các hồ chứa khoảng 84%. Cụ thể, mực nước trung bình các hồ chứa tại Cư Jút khoảng 56%; Krông Nô 83%; Đắk Mil 79%; Đắk Song 90%; thành phố Gia Nghĩa 80%; Đắk Glong 84%; Đắk R’lấp 93% và Tuy Đức 95%.

Hồ chứa nước Nam Xuân (Krông Nô) với dung tích thiết kế hơn 9,3 triệu m3 nước đang được tỉnh xây dựng theo hướng đa mục tiêu

Một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang có mực nước rất thấp hoặc cạn kiệt như ở Cư Jút có hồ Ea Diêr còn 4% nước (dung tích chết), hồ Trúc Sơn 10%, hồ Cư Pu 33%. Tại huyện Đắk Mil có hồ Đắk Ken, hồ Đắk Loou, hồ Đội 3, hồ Y Ren hiện tại hết nước; hồ Núi Lửa chỉ còn 22% nước, hồ Vạn Xuân 35%, hồ Đắk Mbai 9%, hồ Tăng Gia 13%. Còn tại Đắk Glong có hồ Trảng Ba còn 12% nước và hồ Đèo 52  còn 39% nước.

 

Nhiều phương án ứng phó

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành chức năng, các đơn vị, địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp chống hạn. Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, quan trắc mực nước các hồ chứa, nhận định, đánh giá khả năng đáp ứng nguồn nước để đưa ra các giải pháp ứng phó với khô hạn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với điều kiện nguồn nước được Sở khuyến cáo ngay từ trước vụ đông xuân. Đơn vị cũng vận động người dân trên cơ sở sử dụng những giống mới đã được khảo nghiệm thành công tại các huyện, thành phố để chuyển đổi cây trồng. 

 

Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cũng đã xây dựng, triển khai phương án tổng thể về phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô 2020 cho toàn bộ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Về nội dung bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, ông Lê Quang Dần thông tin: Toàn tỉnh hiện có 250 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, trong đó chỉ có 81 công trình đang hoạt động. Do đó, nhiều khu vực ở nông thôn đang có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt nếu xảy ra hạn hán. Ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, lấy đủ nước sinh hoạt, đề phòng tình trạng cạn kiệt, khó phục hồi mạch nước ngầm. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch đặt bồn chứa nước và sử dụng xe bồn cấp nước bổ sung cho người dân nếu xảy ra tình trạng các khu dân cư thiếu nước sinh hoạt.

 

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình khô hạn đã diễn ra ở nhiều địa phương. Theo Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông, đến giữa tháng 2/2020, khô hạn, thiếu nước đã xảy ra đối với 32 ha cây trồng, gồm 10 ha lúa tại Cư Jút và 22 ha cây dài ngày tại Đắk Mil. Nếu tình hình thời tiết tiếp tục nắng nóng, đến cuối vụ đông xuân (tháng 4/2020), sẽ có khoảng 8.600 ha cây trồng trên toàn tỉnh sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó các vùng bị ảnh hưởng lớn ở Cư Jút, Krông Nô, Đắk Song, Đắk Glong.

 

Phải thích ứng với khô hạn

Bên cạnh các giải pháp trước mắt, vấn đề thích ứng với khô hạn, khan hiếm nước đang được tỉnh xác định là một nhiệm vụ lâu dài, quan trọng. Cũng theo ông Lê Quang Dần, vấn đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với nguồn nước khan hiếm đang được ngành Nông nghiệp đẩy mạnh, gắn với tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Đối với cây ngắn ngày, ngành Nông nghiệp đã chủ trọng phát triển các loại giống mới, tổ chức lại sản xuất. Các loại cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu được trồng tại những khu vực xa nguồn nước cũng được định hướng cho người dân chuyển sang các loại cây khác phù hợp hơn như cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Nếu cây nông nghiệp mà người dân trồng ngoài quy hoạch sẽ không được cấp nước khi xảy ra hạn hán, không được thống kê hỗ trợ thiệt hại nếu ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

 

Theo ông Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh có chủ trương đầu tư các công trình thủy lợi quy mô lớn tại những vùng trọng điểm khô hạn. Phương thức đầu tư, sử dụng đa mục đích các công trình thủy lợi như vừa đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây trồng, vừa nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt, điều hòa không khí, tạo cảnh quan môi trường là điều mà tỉnh đặc biệt ưu tiên. Về phía người dân, để góp phần chống hạn lâu dài, bà con cũng nên chủ động có các phương án về tăng nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt như đào các ao, hồ nhỏ để tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm. Để bảo vệ được nguồn nước ngầm, nước mặt, hạn chế khô hạn, cũng cần quyết tâm nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ rừng hiệu quả; trồng rừng, trồng cây phân tán, nông lâm kết hợp nhiều hơn…

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :