Xây dựng nông thôn mới (30.09.2019 13:33)

Phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới

Từ năm 2010 đến nay, Đắk Nông đã linh hoạt huy động có hiệu quả các nguồn vốn khác nhau để xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất nông thôn, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.

 

Phát huy sức mạnh Nhân dân

Đắk R’lấp là địa phương đi đầu của tỉnh trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Sau 10 năm, tổng số vốn địa phương lồng ghép đầu tư cho nông thôn được hơn 8.767 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư hơn 963 tỷ đồng. Chủ yếu, huyện đã huy động vốn tín dụng hơn 7.000 tỷ đồng; vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác hơn 408 tỷ đồng và đặc biệt là Nhân dân đóng góp hơn 338 tỷ đồng.

Bằng nguồn các vốn này, các công trình giao thông, trường học, trạm y tế… ở nhiều thôn, bon, được đầu tư làm mới, nâng cấp, sửa chữa đạt chuẩn. Địa phương cũng quan tâm đúng mức đến các "tiêu chí mềm" về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.

Người dân xã Thuận An (Đắk Mil) góp công, góp của xây dựng đường giao thông

Khi mới triển khai chương trình NTM, toàn huyện chỉ đạt 43 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 4,3 tiêu chí. Đến nay, toàn huyện đạt 172 tiêu chí NTM (tăng 129 tiêu chí) và bình quân mỗi xã đạt17,2 tiêu chí. Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Đắk R’lấp vui mừng cho biết: "Từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, Nhân dân đã vào cuộc mạnh mẽ tạo thành phong trào xây dựng NTM rộng khắp trên địa bàn huyện. Theo đó, cộng đồng dân cư của huyện đã hiến đất đai, cây cối để giải phóng mặt bằng; góp tiền, góp ngày công, với tổng trị giá hơn 338 tỷ đồng. Đó là chưa kể phần đầu tư của Nhân dân vào chỉnh trang nhà cửa, phát triển kinh tế gia đình… Hiện nay, địa phương đang nỗ lực triển khai các công việc để đạt tiêu chí của huyện chuẩn NTM vào năm 2020, phấn đấu có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 khu dân cư NTM kiểu mẫu".

Tương tự, những năm qua, Đắk Mil cũng đã huy động được hơn 8.800 tỷ đồng để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, vốn trực tiếp của chương trình NTM là 125 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác 650 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 48 tỷ đồng; vốn tín dụng 7.850 tỷ đồng và vốn huy động cộng đồng 144 tỷ đồng.

Công trình thủy lợi kết hợp giao thông được xây dựng bằng nguồn vốn của Chương trình phát triển vùng Tây Nguyên tại xã Đạo Nghĩa (Đắk R'lấp)

Theo Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Đắk Mil, để huy động sự đóng góp của bà con, trước khi triển khai, địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân nhằm thảo luận, lấy các ý kiến như: mức góp vốn tiền, đóng góp ngày công lao động, hiến đất để giải tỏa mặt bằng… Địa phương công khai công việc bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt cụ thể và có ý kiến đóng góp, phản hồi. Do đó, toàn huyện đã có hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất đai, tài sản, di dời các công trình nhằm giải tỏa mặt bằng hoặc góp vốn, ngày công lao động để hoàn thiện các tiêu chí NTM. Hiện nay, bình quân mỗi xã đạt 14,78 tiêu chí NTM, tăng 10,22 tiêu chí xã so với năm 2011. Địa phương có 3 xã được công nhận là xã NTM gồm Đức Minh, Đắk Sắk, Thuận An.

Trạm Y tế xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp) khang trang, đạt chuẩn NTM, được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước

Ông Nguyễn Ngọc Lũy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Đắk Mil, khẳng định: "Bên cạnh việc đạt các tiêu chí về hạ tầng kinh tế, xã hội, chúng tôi đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhóm tiêu chí về hệ thống chính trị. Trong đó gồm hai tiêu chí là hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; quốc phòng, an ninh. Đây là nhóm tiêu chí cực kỳ quan trọng có ý nghĩa hàng đầu đối với một xã biên giới, gắn phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, đất nước".

Nông dân xã Đắk Gằn (Đắk Mil) kết hợp trồng trọt với chăn nuôi để nâng cao thu nhập

Xây dựng NTM theo hướng nâng cao, bền vững

Để phát huy nội lực trong xây dựng NTM, những năm qua, các cơ quan chuyên môn đã xây dựng kế hoạch vốn dài hạn, trung hạn, hàng năm. Trên cơ sở đó có sự kết hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án khác nhau để xây dựng NTM. Vốn xây dựng NTM hàng năm được phân bổ, sử dụng trên cơ sở các kế hoạch, nhu cầu của các địa phương, trong đó ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Những công trình, phần việc mang tính cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân cũng được ưu tiên. Từ đó, đã hình thành được cơ chế đầu tư xây dựng NTM ngày càng minh bạch, phát huy được vai trò làm chủ của người dân. Các nguồn lực xây dựng NTM được huy động và sử dụng có hiệu quả, góp phần xây dựng hạ tầng kinh tế- xã hội vùng nông thôn ngày càng hoàn thiện, đồng bộ. Đến nay bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 13,44 tiêu chí NTM, tăng 10,34 tiêu chí so với năm 2011.  Toàn tỉnh có 16/61 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM (chiếm 26,23%), tăng 16 xã so với năm 2011. Năm 2011, toàn tỉnh có 46 xã đạt dưới 5 tiêu chí NTM nhưng đến nay đã không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

 

Trong 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh Đắk Nông đã huy động được gần 92.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình là hơn 591 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 440 tỷ đồng, ngân sách địa phương 150 tỷ đồng) chiếm 0,64%. Còn lại, hơn 91.000 tỷ đồng đều cho các địa phương, ngành chức năng linh động lồng ghép hoặc huy động tổ chức, doanh nghiệp, người dân hỗ trợ, đóng góp. Đặc biệt, người dân trong toàn tỉnh đã đóng góp tổng cộng trên 2.113 tỷ đồng (chiếm 2,3%, trong tổng số vốn) để xây dựng NTM. Nhiều địa phương đã huy động được sự đóng góp của Nhân dân bằng tiền, tài sản, ngày công với giá trị rất lớn để hoàn thành các tiêu chí NTM khác nhau.

 

Về kết quả của chương trình NTM trên địa bàn tỉnh 10 năm qua, đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Đắk Nông cho biết: "Đến hết năm 2018, tỉnh đã có 16 xã đạt chuẩn NTM. So với chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra đến năm 2020 là có 18 xã đạt chuẩn NTM thì chúng ta sẽ vượt kế hoạch. Bởi vì dự kiến đến 2020, Đắk Nông sẽ có 24 xã đạt chuẩn NTM. Đây chính là những động lực to lớn cho Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM theo hướng nâng cao, bền vững. Quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh là phát triển hạ tầng nông thôn đồng bộ, hoàn thiện, coi trọng các tiêu chí nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần cho người dân. Bởi mục tiêu cuối cùng và cao nhất của chương trình NTM chính là nâng cao đời sống Nhân dân vùng nông thôn".

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :