Nông nghiệp phát triển nông thôn (13.05.2020 09:12)

Nông dân Cư Jút mở rộng diện tích trồng điều để tránh hạn

Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã chuyển đổi nhiều loại cây trồng già cỗi, kém năng suất để trồng điều. Kết quả bước đầu cho thấy, cây điều đang khẳng định "sức sống" tại các vùng đất khô cằn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

 

Những ngày gần đây, vợ chồng anh Bùi Xuân Vụ, ở thôn 8, xã Cư K’nia (Cư Jút) tranh thủ thời gian rảnh rỗi để lên rẫy thu hoạch điều. Năm nay, vườn điều ghép hơn 2 năm tuổi của gia đình anh Vụ được mùa. Anh Vụ ước tính sau 2 đợt thu hoạch, vườn điều 0,8 ha của gia đình đạt khoảng 3 tấn hạt.

 

Vườn điều ghép của gia đình anh Bùi Xuân Vụ, ở xã Cư K’nia phát triển xanh tốt, cho năng suất cao trên vùng đất khô cằn

Trước đó, vào năm 2017, vợ chồng anh Vụ xuống giống trồng xen ít cây điều ghép trong rẫy tiêu. Sau 1 năm, vườn điều phát triển xanh tốt và bắt đầu cho thu bói. Trước những tín hiệu tích cực, anh Vụ quyết định trồng toàn bộ 0,8 ha điều trên rẫy. Đây là những phần đất tương đối khô cằn, không thuận lợi để canh tác các loại cây trồng cần nhiều nước tưới như cà phê, tiêu.

Theo anh Vụ, người dân có thể mua trực tiếp điều đã ghép về trồng hoặc cấy hạt điều thường rồi lấy mắt của cây điều ghép để ghép vào. Điều ghép có ưu điểm sinh trưởng, phát triển nhanh. Sau hơn 1 năm, điều ghép có thể cho thu bói và bắt đầu bước vào thời điểm kinh doanh từ năm thứ hai trở đi. Giống cây điều ghép thường thấp lùn, tán ra sát đất. Điều ghép thường ra hoa 2 đợt, kéo dài từ khoảng tháng 11 đến tháng  3 của năm sau. Do ra hoa sớm hơn giống thuần, nên điều ghép tránh được sương muối. Bên cạnh đó, điều ghép còn có ưu điểm hạt to, tròn và nhân sáng nên được người mua ưa thích hơn.

 

Ngoài năng suất cao, điều ghép còn có ưu điểm hạt to, tròn hơn hẳn điều thuần

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Thu, cùng thôn 8, cũng thay thế gần 1 ha điều ghép cho vườn tiêu già cỗi. Do nền đất tốt, chủ yếu là đất đỏ nên sau hơn 1 năm xuống giống, vườn điều phát triển nhanh và nhiều cây đã cao quá đầu người. Với cả trăm cây bắt đầu cho thu bói, chị Thu ước tính vườn điều cũng cho thu hoạch 3 - 4 tạ.

Những năm gần đây, giá cả một số loại nông sản, đặc biệt là hồ tiêu xuống thấp. Nhiều người dân trên địa bàn xã Cư K’nia đã chuyển đổi những vườn tiêu già cỗi, kém năng suất, không phù hợp với thổ nhưỡng sang trồng điều và các loại cây ăn quả.

Theo bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư K’nia, trong khoảng 1 năm nay, xã đã phát triển thêm khoảng 50 ha điều, chủ yếu là điều ghép. Hiện toàn xã Cư K’nia có khoảng 300 ha điều, trong đó có trên 200 ha điều trồng thuần và gần 100 ha điều xen canh (với cây công nghiệp, cây ăn quả).

“Điều ghép có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất, chất lượng hạt nên được nhiều người dân trong xã lựa chọn. Với năng suất đạt gần 3 tấn/ha, điều ghép có thể là một loại cây mang lại thu nhập ổn định cho nông dân trong giai đoạn nhiều loại nông sản xuống thấp”, bà Út chia sẻ.

 

Vườn điều ghép của gia đình chị Nguyễn Thị Thu, ở xã Cư K’nia xanh tốt, nhiều cây cho thu bói sau hơn 1 năm chăm sóc

 

Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, toàn huyện hiện có khoảng 2.000 ha điều, tập trung chủ yếu ở Trúc Sơn, Cư K’nia, Nam Dong… Ông Sơn cho hay: Điều là một loại cây tương đối dễ chăm sóc, có thể trồng trên những phần đất cằn và cần ít nước tưới hơn hẳn so với các loại cây công nghiệp khác. Với năng suất bình quân trên 2 tấn/ha, điều có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân trên những vùng đất khô cằn, khó canh tác. Việc diện tích điều có xu hướng tăng trong thời gian gần đây chủ yếu rút ra từ kinh nghiệm thực tế của nông dân các địa phương. Việc phát triển điều có thể là một bài toán tích cực trong việc tiết kiệm nước tưới, hạn chế tác động tiêu cực của tình hình khô hạn diễn ra gay gắt như thời gian qua.

 

Bài, ảnh: Lê Phước

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :