Giáo dục (05.09.2019 10:09)

Năm học mới, quyết tâm mới!

Sáng 5/9, cùng với hàng triệu học sinh trong cả nước, trên 174.400 học sinh các cấp trong toàn tỉnh Đắk Nông đã bước vào khai giảng năm học mới 2019-2020, với nhiều quyết tâm, khí thế mới.

Các trường học đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo tỉnh về dự lễ khai giảng, đọc thư chúc mừng năm học mới của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi thầy cô giáo và học sinh trong cả nước.

Trường THCS Nguyễn Du ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) được xây mới hoàn toàn, dự kiến đưa vào sử dụng trong học kỳ I năm học 2019 – 2020

Tổ chức khai giảng gọn nhẹ, linh hoạt

Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhiều nơi mưa to nhưng không giảm đi không khí háo hức của học sinh trong ngày khai giảng. Thậm chí, nhiều nơi giao thông đi lại khó khăn, học sinh đã tập trung trước đó một hai ngày để dự khai khai giảng như các trường và điểm trường ở huyện Đắk Glong.

Nhằm bảo đảm an toàn, sức khỏe cho học sinh, ngày 4/9, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn hướng dẫn các phòng giáo dục, các đơn vị trực thuộc tổ chức khai giảng khi thời tiết không thuận lợi. Các trường phải tổ chức buổi lễ ngắn gọn, tuyệt đối không để học sinh đứng dầm mưa trong lễ khai giảng. Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, những nơi có thời tiết thuận lợi thì trường học các cấp tổ chức những nghi thức cơ bản trong buổi khai giảng như: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước.

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh dự kiến có 174.417 học sinh các cấp, tăng trên 4.700 học sinh so với năm học trước

Một số trường tổ chức các tiết mục văn nghệ phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày khai giảng. Riêng các trường mầm non tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Khác với năm học trước, trong lễ khai giảng, các nhà trường không đọc báo cáo về tình hình hoạt động nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Phụ huynh đưa trẻ đến trường ở Trường tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Som (Đắk Glong)

Đầu tư 283,2 tỷ đồng phục vụ năm học mới

Theo thống kê, năm học 2019-2020, toàn tỉnh có khoảng 174.417 học sinh các cấp, tăng trên 4.700 học sinh. Trong đó, bậc mầm non có 40.239 trẻ, bậc tiểu học có 72.171 học sinh, bậc THCS có 42.500  học sinh và bậc THPT có 19.000 học sinh.

Biểu đồ so sánh số liệu học sinh toàn tỉnh

Nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, từ các nguồn vốn khác nhau, toàn ngành được đầu tư 283,29 tỷ đồng chuẩn bị năm học mới. Trong đó, toàn ngành được xây mới 253 phòng học, nâng tổng số trong toàn tỉnh lên 5.583 phòng học. Cùng với đó, toàn ngành được đầu tư mua sắm sách giáo khoa, vở viết và thiết bị dạy học tối thiểu với khoảng 19,5 tỷ đồng.

 

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có khoảng 10.188 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong biên chế. Riêng đội ngũ giáo viên có 8.178 biên chế. Trước thực trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tỉnh đã được Bộ Nội vụ bổ sung thêm 634 biên chế, tăng tổng số giáo viên trong biên chế lên 8.812 người.

Giáo viên Trường mầm non Hoa Hướng Dương, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa) làm đồ dùng chuẩn bị cho năm học mới

Mặc dù được bổ sung thêm biên chế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là số lượng học sinh tăng nhanh nên nhu cầu biên chế ở các cấp học vẫn còn cao, nhất là tại các huyện khó khăn như Đắk Glong, Tuy Đức…Cụ thể, bậc mầm non hiện có 1.999 biên chế, thiếu 89 biên chế; bậc tiểu học hiện có 3.307 biên chế, thiếu 175 biên chế; bậc THCS hiện có 2.225 biên chế, thiếu 99 biên chế; bậc THPT hiện có 1.281 biên chế.

 

 

 

 

 

Hiện nay, một số trường và điểm trường do tình trạng thiếu giáo viên nên gần như không tổ chức khai giảng như Trường mẫu giáo Quảng Hòa ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong)… Nhằm bảo đảm nhu cầu tối thiểu, cùng với việc được phân bổ thêm giáo viên mầm non, hiện nay các huyện, thị xã cũng đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục như: chuyển đổi biên chế nhân viên đã đào tạo chuyên môn qua biên chế giáo viên; phân bổ cán bộ quản lý kiêm giáo viên phụ trách các lớp….

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường THCS Phan Chu Trinh ở xã Đắk Som (Đắk Glong)

Thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, trong năm học qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn ngành đã cơ bản đạt được mục tiêu trong thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp do Bộ GD-ĐT đề ra. Năm học 2019-2020, trên tinh thần chung thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp của Bộ GD-ĐT, ngành Giáo dục tỉnh tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, phù hợp với thực tế địa phương.

Cụ thể, toàn ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quy hoạch trường lớp theo hướng chuẩn hóa của quốc gia và phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng tăng cường nhân cách, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm của xã hội cho người học; tiếp tục phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và thực hiện chính sách dân tộc trong giáo dục; tiếp tục phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục và đào tạo; tiếp tục tăng cường đầu tư của Nhà nước và Nhân dân, bảo đảm các điều kiện cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

 

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT, năm học 2019-2020 là năm bản lề nhằm chuẩn bị mọi điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu đối với lớp 1. Cùng với đó, đây cũng là năm quan trọng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về lĩnh vực giáo dục, nhất là công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Vì vậy, ngoài tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm nêu trên, ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và dạy học mới. Cùng với các ngồn vốn đầu tư của Nhà nước, ngành tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp nhằm từng bước hoàn thiện về cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng kiên cố, đạt chuẩn.

Tiếng trống trường đã điểm, năm học mới 2019-2020 bắt đầu. Trong niềm hân hoan, phấn khởi, thầy và trò ở các trường học trên địa bàn tỉnh bước vào năm học mới với quyết tâm, nỗ lực đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục.

* Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh nâng cao chất lượng giáo dục, xứng tầm trường chuyên của tỉnh

Sáng 5/9, thầy và trò Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa) đã vinh dự đón đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến dự lễ khai giảng và chung vui với nhà trường.

Năm học 2019-2020, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh có trên 800 học sinh các khối lớp

Năm học 2018-2019, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh đã chú trọng công tác giáo dục và đào tạo mũi nhọn, tích cực đổi mới một cách hiệu quả phương pháp dạy học hiện đại phù hợp với đặc điểm, tâm sinh lý của học sinh nhằm phát triển toàn diện và hình thành nhân cách học sinh.

Nhờ đó, năm học vừa qua trường đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, trong đó có 13 em đạt học sinh giỏi Quốc gia; 100% học sinh khối 12 đậu tốt nghiệp THPT Quốc gia và hơn 90% học sinh đậu đại học đợt 1; 10 học sinh đạt giải Olympic khu vực Đồng bằng Bắc bộ; đạt 84 giải tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh khối 12; đạt 5 giải học sinh nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; đạt 134 huy chương tại kỳ thi Olympic cấp tỉnh…

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đến dự lễ khai giảng, chung vui với nhà trường

Ngoài những thành tích nổi bật về học tập, học sinh của trường cũng thể hiện sự năng động, chủ động khi tham gia các cuộc thi văn nghệ, thể thao và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo Hiệu trưởng Tạ Ngọc Bảo, năm học 2019 - 2020, trường sẽ tiếp tục tăng cường đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng tiếng Anh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục cũng như giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.

Tiết mục văn nghệ của học sinh chào mừng năm học mới

Phát biểu tại lễ khai giảng, đồng chí Ngô Thanh Danh ghi nhận những kết quả đạt được của nhà trường và nhấn mạnh, năm học 2019-2020 diễn ra trong bối cảnh cả nước nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, ngành Giáo dục đang có nhiều sự đổi mới tích cực để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh cần tiếp tục phát huy lợi thế, kết quả đạt được, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, xứng tầm một trường chuyên của tỉnh. Tập thể cán bộ, giáo viên phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết nội bộ, không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Ngô Thanh Danh cũng nhắc nhở các em học sinh, trước tiên phải nhận thức, hiểu rõ và thực hiện tốt khẩu hiệu “Tiên học lễ - Hậu học văn”, thể hiện ở sự lễ phép đối với cha mẹ, thầy cô giáo và những người lớn tuổi, đoàn kết và giúp đỡ bạn bè để cùng nhau tiến bộ. Trong học tập, các em cần siêng năng, chăm chỉ, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, vận dụng phù hợp những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Các em hãy thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ, lòng yêu nước và viết tiếp truyền thống cha anh bằng những nét chữ của tri thức, bằng nhịp đập của tình yêu thương và hãy biết sống là phải sống hết mình.

Tiết mục nhảy của giáo viên và học sinh, tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp trong ngày khai giảng

* Năm học 2019-2020, thị xã Gia Nghĩa có 37 trường học với 470 lớp và 16.095 học sinh từ bậc mầm non đến THCS. Hầu hết các trường học đã sẵn sàng cho năm học mới, với việc đề ra kế hoạch, mục tiêu cụ thể.

Theo đó, đến nay công tác tuyển sinh của thị xã cơ bản hoàn thành. Riêng bậc mầm non, do thiếu giáo viên nên số lượng trẻ giảm so với năm học trước. Tuy nhiên, hiện các trường mầm non đã tuyển hết số trẻ 5 tuổi đến lớp. Riêng trẻ từ 3-4 tuổi, các trường tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất và giáo viên để nhận trẻ. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ngoài số lượng biên chế được bổ sung, thị xã thực hiện chuyển đổi biên chế nhân viên đã qua đào tạo chuyên môn sang biên chế giáo viên. Các trường khu vực trung tâm thực hiện xã hội hóa nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh được đến trường.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nổi hồi trống khai trường năm học mới 2019-2020

Nhằm phục vụ nhu cầu năm học mới, thị xã được đầu tư trên 50 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất; trong đó, xây mới 40 phòng học, nâng tổng số phòng học kiên cố lên 298 phòng. Những trường được xây mới phòng học đã có điều kiện thuận lợi hơn trong tổ chức các hoạt động dạy và học. Ngành Giáo dục thị xã cũng đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình, hạng mục phụ trợ khác như: sân trường, phòng học, nhà bếp, cổng trường, hàng rào….

Cùng với đó, 17 trường được sửa chữa 420 bộ bàn ghế với tổng kinh phí trên 735 triệu đồng. Các nhà trường sắp xếp trang thiết bị gọn gàng, ngăn nắp, thực hiện tổng vệ sinh trường lớp xanh, sạch, đẹp trước ngày khai giảng.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi năm học 2018-2019 của Trường THPH chuyên Nguyễn Chí Thanh

Cùng với việc bám sát nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành, năm học mới 2019-2020, thị xã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đổi mới giáo dục ở từng bậc học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Các trường học tích cực thực hiện xã hội hóa nhằm tăng nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, thị xã phấn đấu xây dựng thêm 4 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng số trường chuẩn lên 20 trường.

* Trường THPT Đắk Song hướng tới mục tiêu đào tạo học sinh lấy nhân cách làm đầu, có kiến thức toàn diện

Sáng 5/9, tất cả 902 học sinh Trường THPT Đắk Song (Đắk Song) nô nức bước vào năm học mới 2019-2020. Đồng chí Trần Xuân Hải, UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông đã đến dự.

Niềm vui của các em học sinh lớp 10 khi bước vào năm học mới

16 năm qua, Trường THPT Đắk Song đã có sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng lên. Cơ sở vật chất được đầu tư cải tạo, nâng cấp khang trang, hiện đại. Số lượng giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi quốc gia, Olympic truyền thống 30/4, học sinh giỏi tỉnh các bộ môn… đều tăng nhanh. Số học sinh thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều. Đặc biệt, năm 2016, nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 và trường THPT chuẩn quốc gia.

Thời tiết có mưa nên nhà trường tổ chức lễ khai giảng cho các em học sinh trong hội trường

Trong năm học 2018-2019, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích rất đáng trân trọng. Trong đó, 59,41% học sinh đạt học lực khá giỏi; 96,5% học sinh tốt nghiệp THPT; 9 giải học sinh giỏi lớp 12; 26 huy chương Olympic 23/3; 3 huy chương Olympic 30/4… Cơ sở vật chất luôn bảo đảm cho quá trình giảng dạy và học tập. Nhà trường hiện có 2 dãy phòng học, 1 nhà đa chức năng; 1 nhà bộ môn, 1 khu giáo dục thể chất và 1 dãy nhà thư viện…

Các đại biểu, thầy cô, học sinh thực hiện nghi thức chào cờ chào mừng năm học mới

Toàn trường hiện có 66 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong năm học 2019-2020, nhà trường tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và gặt hái nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình giảng dạy và học tập. Đội ngũ thầy, cô giáo sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm, nhiệt huyết và trách nhiệm, với tư duy sáng tạo và quyết tâm đổi mới chất lượng giảng dạy trong năm học mới này.

Đồng chí Phan Văn Hợp, Bí thư Huyện ủy Đắk Song đọc thư chúc mừng năm học mới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Năm học mới này, trường đặt quyết tâm nâng số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; nâng tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đạo học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… cao hơn những năm về trước.

Với mục tiêu đào tạo học sinh lấy nhân cách làm đầu, có kiến thức toàn diện, nhà trường quyết tâm đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý cũng như giáo viên, công nhân viên…

Đồng chí Trần Xuân Hải, UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh trống khai giảng năm học mới

Phát biểu tại Lễ khai giảng, cùng với việc biểu dương những thành tích đạt được, đồng chí Trần Xuân Hải cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh, nhất là chất lượng dạy học môn Tiếng Anh, Tin học… Đội ngũ giáo viên cần tích cực nghiên cứu và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để thực hiện giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhà trường cũng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Trong đó phải đặc biệt quan tâm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Qua đó tạo điều kiện để các em phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình, lập thân, lập nghiệp và luôn là người công dân gương mẫu của quê hương, đất nước…

Đồng chí Trần Xuân Hải trao học bổng cho các em học sinh vượt khó, đạt thành tích cao trong học tập

Cũng tại lễ khai giảng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã trao tặng 10 suất học bổng cho 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập.

* Trường THCS Chu Văn An, xã Đức Minh chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Sáng 5/9, hòa cùng không khí chung, Trường THCS Chu Văn An, xã Đức Minh (Đắk Mil) tổ chức khai giảng năm học mới 2019-2020. Năm học này, trường có 804 học sinh, 22 lớp học và 61 cán bộ, giáo viên.

Năm học mới, Trường THCS Chu Văn An đón 173 học sinh bước vào lớp 6

Theo Hiệu trưởng Trịnh Giáo, để chuẩn bị cho năm học mới, trường đã tiến hành làm tường rào, sơn sửa lớp học, cổng trường… phục vụ cho công tác dạy và học của giáo viên, học sinh với tổng kinh phí 120 triệu đồng. Nguồn kinh phí trên lấy từ ngân sách và nguồn xã hội hóa do phụ huynh học sinh đóng góp để cùng nhà trường tạo môi trường học tập tốt cho các em.

Chuẩn bị cho năm học mới, trường đã tiến hành làm tường rào, sơn sửa lớp học, cổng trường…

Thời gian qua, cùng với việc tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trường còn tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, với tỷ lệ học sinh khá, giỏi trên 52,22%. Năm học này, trường tiêp tục phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa.

Đặc biệt, theo nhiệm vụ chung của toàn ngành, trường chú trọng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh theo phương châm "Tiên học lễ-Hậu học văn", giúp các em sống có hoài bão, lý tưởng, trở thành những công dân tốt, có ích của xã hội, góp sức xây dựng quê hương, đất nước.

Năm học 2019-2020, Trường THCS Chu Văn An có 804 học sinh, 22 lớp học và 61 cán bộ, giáo viên

* Theo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk Mil, năm học 2019-2020, toàn huyện có 24.704 học sinh (tăng 32 em so với năm học 2018-2019); trong đó, mầm non 5.788 em, tiểu học 11.444 em và THCS 7.472 em. Toàn huyện hiện có 1.501 giáo viên, với 272 giáo viên mầm non, 684 giáo viên tiểu học và 512 giáo viên THCS. Chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã đầu tư 19,5 tỷ đồng để xây mới 20 phòng học, 3 nhà chức năng, 2 nhà đa năng cũng như cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các lớp học, công trình phụ trợ…

* Học sinh xã biên giới Thuận Hà, Đắk Song hân hoan đến trường

Sáng 5/9, toàn bộ 403 học sinh và 25 cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường Tiểu học Vừ A Dính, xã biên giới Thuận Hà hân hoan tổ chức Lễ khai giảng năm học 2019-2020.

Ngày từ sáng sớm, bà Triệu Mù Ghễn, ở thôn Đắk Thốt, xã Thuận Hà (Đắk Song) đưa các con đi dự khai giảng năm học mới

Bước vào năm học mới, nhà trường hướng tới mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống. Nhà trường sẽ thực hiện tốt các hoạt động giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, khơi dậy tinh thần tích cực, tự giác trong học tập của học sinh.

Em Hoàng Sòn Sinh, ở bản Đắk Thốt, xã Thuận Hà (Đắk Song) từ sáng sớm đã chở em đi dự khai giảng

Cùng với đó, nhà trường tiếp tục vận dụng phù hợp những nhân tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Trong năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh lên lớp toàn trường đạt 95,5%, số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%.

Trường Tiểu học Vừ A Dính tổ chức khai giảng năm học 2019-2010

Sáng nay, tất cả trường học trên địa bàn huyện Đắk Song  tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020. Lễ khai giảng năm nay được các trường tổ chức an toàn, tiết kiệm, bảo đảm không khí trang trọng, vui tươi.

Theo thống kê, năm học 2019-2020, toàn huyện Đắk Song có 42 trường học, với 20.599 học sinh gồm: bậc mầm non có 13 trường, cấp tiểu học 18 trường, cấp THCS có 11 trường; 1.048 cán bộ, giáo viên. Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã đầu tư trên 18,8 tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa hệ thống phòng học, các hạng mục phụ trợ khác…

Đồn Biên phòng Đắk Tiên tặng quà và nhận chăm sóc hai em học sinh  có hoàn cảnh khó khăn của Trường Vừ A Dính

Trong năm học này, ngành Giáo dục huyện tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục bằng việc tập trung rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên để phát triển sự nghiệp giáo dục tại địa phương.

Tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1

* Học sinh vùng lũ Đắk Sin bước vào năm học mới

Sáng 5/9, Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) tổ chức khai giảng năm học mới 2019 - 2020.

Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo khai giảng năm học mới trong nhà đa chức năng để tránh mưa

Toàn trường có gần 460 học sinh, thuộc 13 lớp học với 34 cán bộ, công nhân viên. Năm học vừa qua trường đã phấn đấu đạt tiêu chuẩn 3 về nâng cao chất lượng học sinh. Kết quả học tập, trong số 444 học sinh, có 6,8% học sinh giỏi; 31,2% học sinh khá; 62,5 học sinh trung bình và 0,5% học sinh yếu. Để chuẩn bị cho năm học mới, trường đã cấp 35 bộ sách giáo khoa và 700 cuốn vở cho các học sinh dân tộc thiểu số nghèo từ khối 6 đến khối 9 theo chính sách hỗ trợ sách cho học sinh dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo của tỉnh.

Niềm vui học sinh vùng lũ Đắk Sin trong ngày khai giảng năm học mới

Thầy giáo Đặng Văn Hóa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo cho hay, năm học 2019 - 2020, ngoài các tiêu chí ngành ban hành, trường đặt mục tiêu hoàn thành các tiêu chí, hướng tới xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí nông thôn mới vào năm 2021. Trước ngày khai giảng, nhà trường cũng đã cử cán bộ, giáo viên rà soát, thăm hỏi các gia đình chịu ảnh hưởng do thiên tai xảy ra thời gian vừa qua. Nhà trường cùng với địa phương động viên các gia đình khắc phục mọi khó khăn để tạo điều kiện cho con em được tới trường tham gia học tập đầy đủ.

 

Ông Đặng Bá Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’lấp cho biết, năm học 2019 - 2020, toàn huyện Đắk R’lấp có 1.326 cán bộ, giáo viên giảng dạy ở 51 trường học các cấp với 628 lớp, khoảng 19.842 học sinh, giảm 111 học sinh so với năm học 2018-2019. Năm học 2019 - 2020, toàn huyện đã xây mới và đưa vào sử dụng 34 phòng học với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học trước khi bước vào năm học mới 100% giáo viên và cán bộ quản lý được tham gia các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ. Mục tiêu năm học này, huyện Đắk R’lấp tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

 

Theo thống kê của xã Đắk Sin, toàn xã có khoảng 200 em học sinh thuộc các cấp học mầm non, cấp 1, cấp 2 là con em các gia đình bị thiệt hại trong đợt mưa bão vừa qua. Trước ngày khai giảng năm học mới các tổ chức đoàn thể, các mạnh thường quân đã hỗ trợ đồ dùng học tập, quần áo để các em đến trường, dự lễ khai giảng.

* Học sinh dân tộc thiểu số Đắk Som hồ hởi bước vào năm học mới

Sáng 5/9, hơn 1.200 học sinh các dân tộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (DTBT) Tiểu học Vừ A Dính, xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) phấn khởi chào đón Lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020.

Học sinh từ khắp nơi về dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vừ A Dính

Năm học này, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vừ A Dính có 36 lớp, với 1.279 học sinh, trong đó có trên 95% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng khối lớp 1, trường có 334 học sinh. Ngoài học sinh là con em đang sinh sống trên địa bàn xã Đắk Som, trường còn tiếp nhận khoảng 300 học sinh đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn xã Đắk R’măng (Đắk Glong).

Nhiều học sinh tranh thủ ăn sáng trước giờ khai giảng

Theo kế hoạch, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vừ A Dính có 26 lớp học 5 buổi/tuần và 10 lớp học 2 buổi/ngày. Hiện trường có 27 phòng học, trong đó có 26 phòng để dạy học, 1 phòng làm thư viện và chứa các thiết bị, đồ dùng dạy học. Nhìn chung, số phòng học của trường cơ bản bảo đảm, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, hiện trường còn thiếu khoảng 5 giáo viên.

Hơn 1.200 học sinh đồng bào các dân tộc Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vừ A Dính chào cờ trong Lễ khai giảng

Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ trong dịp hè, ban giám hiệu và các cán bộ, giáo viên đã đến các cụm dân cư trên địa bàn để vận động con em trong độ tuổi được đến trường. Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Vừ A Dính cũng tổ chức tựu trường từ tháng 8 với nhiều buổi để phụ huynh có thể sắp xếp thời gian, đưa con em đến trường.

Thầy giáo Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Vừ A Dính đánh trống khai giảng năm học mới

Các thầy cô giáo và đại diện chính quyền địa phương tặng mũ bảo hiểm cho các học sinh lớp 1, Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính

Niềm vui của các em học sinh lớp 1 sau khi nhận mũ bảo hiểm trong lễ khai giảng

Số liệu học sinh các cấp huyện Đắk Glong năm học 2018-2019 và dự kiến năm học 2019-2020

 

Năm học 2019 - 2020, huyện Đắk Glong có trên 20.600 học sinh, trong đó có gần 50% học sinh ở độ tuổi tiểu học (trên 9.600 học sinh). So với năm học 2018 - 2019, số học sinh toàn huyện tăng trên 2.700 em và tăng đều ở các cấp học. Hiện toàn huyện có 823 giáo viên, thiếu khoảng trên 400 giáo viên (chủ yếu ở bậc mầm non) so với quy định. Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện đã xây mới 82 phòng học (kinh phí trên 47 tỷ đồng), sửa chữa nhiều phòng học và các hạng mục công trình vật chất, nâng tổng số phòng học toàn huyện lên 546 phòng.

 

 

Nhóm PV

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :