Nông nghiệp phát triển nông thôn (30.09.2020 10:26)

Huấn luyện viên võ thuật xây dựng cơ nghiệp bằng... ruộng vườn

Vốn là một huấn luyện viên võ thuật, anh Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Tiến Thành, xã Cư K’nia (Cư Jút) trở về với ruộng vườn bằng tinh thần cần mẫn, kiên trì, khiến cho vùng đất sỏi đá Cư K'nia phải "đơm hoa, kết trái".

 

Bén duyên với nghề nông

 

Theo anh Bùi Xuân Nghĩa, xã Cư K’nia là địa bàn nằm trên vùng đất bán sơn địa. Đất trồng trọt nơi đây đa phần là đất gò đồi, sỏi đá. Còn nếu có những vùng bằng phẳng thì gặp đất đá trắng, bạc màu, cây trồng tốn nhiều công chăm sóc. Gần 10 năm giã từ nghề võ, anh Nghĩa trở về ruộng vườn với quyết tâm phải “ăn nên, làm ra” dù bước khởi đầu đối mặt với không ít khó khăn.

 

Sản phẩm cà phê hạt của HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiến Thành

 

Anh Nghĩa cho biết, để cho cây cà phê, hồ tiêu xanh tốt được ở vùng đất này, anh phải tốn không ít công để xử lý đất trồng. Trước hết, anh phải đào đất, chuyển đá đi nơi khác để cho hố trồng đủ kích thước. Đất sản xuất ở đây pha sỏi, đá, nên không giữ nước. Mùa khô ở Cư K'nia kéo dài, nên phải xử lý hố trồng phù hợp thì cây mới phát triển được.

 

Đất không phụ công người, từ khi đem hết công sức, quyết tâm xây dựng cơ nghiệp bằng nghề trồng trọt, 5 ha cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả của anh Nghĩa đã sinh trưởng, phát triển và cho năng suất ngoài mong đợi. Nhận thấy vườn cà phê đều đặn cho năng suất trên 4 – 5 tấn/ha/vụ, anh nghĩ đến sản xuất theo hướng hữu cơ để cho ra sản phẩm sạch, bán được giá hơn. Theo anh Nghĩa, từ nhiều năm nay, mặc dù mô hình sản xuất của gia đình còn nhỏ, nhưng anh luôn suy nghĩ sản phẩm nông nghiệp làm ra phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và được chế biến thành sản phẩm phục vụ đến tay người tiêu dùng mới bán được giá cao. Chính vì điều này, anh Nghĩa đã quy tụ các hộ dân trong xã thành lập HTX sản xuất hữu cơ.

 

Từ khi HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiến Thành được thành lập và đi vào hoạt động vào năm 2018, đơn vị đã tập trung nguồn lực để sản xuất hồ tiêu, cà phê và cây ăn trái  theo tiêu chuẩn hữu cơ an toàn. Để phát huy vai trò "bà đỡ" cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, Ban Giám đốc HTX luôn tìm tòi, học hỏi cái mới để truyền đạt cho xã viên nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của đơn vị.

 

Anh Bùi Xuân Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiến Thành vận hành máy rang sấy cà phê

Nâng tầm giá trị nông sản

 

Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay, HTX đã có những sản phẩm như hồ tiêu, cà phê hữu cơ bán ra thị trường với đầu ra ổn định. Đặc biệt, với thương hiệu cà phê bột "FOT 48" do HTX sản xuất đã được Sở Công thương tỉnh Đắk Nông cấp mã vạch hàng hóa sạch. Anh Nguyễn Tấn Hậu, xã viên HTX cho hay: “Người mua cà phê chỉ cần dùng điện thoại để kiểm tra mã vạch sẽ thấy đầy đủ các thông tin về sản phẩm của HTX nông nghiệp hữu cơ Tiến Thành. Sản phẩm sản xuất đạt chất lượng, nhãn mác, thông tin đầy đủ sẽ tạo lòng tin cho khách hàng”.

 

Để các giúp HTX từng bước đi vào hoạt động ổn định, nâng cấp cơ sở sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm… HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiến Thành đã huy động xã viên đóng góp cổ phần để mua máy chế biến cà phê bột, đầu tư phân bón, đầu vào. Anh Nghĩa chia sẻ: “Căn nguyên khiến tôi đi vào sản xuất sản phẩm cà phê bột "FOT 48" là do người trồng cà phê bỏ công sức ra làm một năm nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. 1 kg cà phê giá 30.000 đồng, trừ các khoản chi phí sản xuất chỉ còn khoảng 5 – 7.000 đồng. Trong khí đó, HTX sản xuất cà phê bột chỉ với 1,3 kg cà phê nhân cho ra 1 kg cà phê bột, bán với giá 260.000 kg. Như vậy giá trị thu nhập của bà con xã viên tăng lên gấp nhiều lần”.

 

Ngoài ra, để giảm chi phí đầu vào, HTX còn hướng dẫn bà con sử dụng các loại sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, cá nước ngọt kết hợp với các chế phẩm sinh học, vi lượng hữu cơ phối hợp lại để làm phân bón. Nhờ sử dụng phân tự ủ này, một năm, HTX đã giúp bà con tiết kiệm được 50% chi phí đầu tư cho phân bón. Với cách làm này, khi chi phí đầu vào giảm thấp, đầu ra tăng lên, giá trị lợi nhuận của HTX đã gia tăng khá cao.

 

Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội nông dân xã Cư K’nia kiểm tra thông tin trên bao bì sản phẩm cà phê “FOT 48”

 

Theo bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư K’nia, ngoài vai trò chủ chốt của HTX, anh Bùi Xuân Nghĩa còn là tấm gương điểm hình tiên tiến về sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Với tinh thần lao động cần cù, chịu khó và bằng những việc làm thực tế về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Nghĩa trở thành gương sáng để bà con nông dân trong xã đến học hỏi, áp dụng.

 

Không những nỗ lực làm ăn kinh tế, tích cực tham gia các hội, đoàn thể, giúp nông dân tổ chức sản xuất, từ năm 2006 đến nay, gia đình anh Nghĩa đã giúp đỡ cho 2 hội viên nông dân thoát nghèo. Anh Nghĩa cũng nhận kèm cặp, giúp đỡ 6 học sinh nghèo trong thôn để có điều kiện ăn học. Anh còn cho 25 hội viên nông dân trong xã vay vốn không tính lãi để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

 

Bài, ảnh: Văn Tâm

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :