Tin thế giới (19.04.2024 13:47)

Hợp tác xã Đắk Tân: Liên kết với nông dân trồng chanh dây trong nhà lưới phục vụ xuất khẩu

Sau thời gian thí điểm thành công, Hợp tác xã Đắk Tân (HTX) ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đã liên kết với nông dân trồng chanh dây trong nhà lưới với diện tích lớn để xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu. Hiện nay, các vườn chanh dây bắt đầu cho thu hoạch với năng suất ước tính gấp nhiều lần so với trồng ngoài tự nhiên.

Ông Lê Văn Lục, Giám đốc HTX Đắk Tân cho biết: "Lâu nay, nhiều hộ trồng chanh dây ngoài tự nhiên bị thất bại do dễ bị bệnh, nhưng trồng trong nhà lưới điều tiết được thời tiết, khống chế được bệnh hại. Sau khi thí điểm cho thấy, trồng 1 ha chanh dây trong nhà lưới bằng 10 ha ở ngoài. 1 ha đầu tư kinh phí xây dựng nhà lưới 600 triệu đồng, nhưng sử dụng trên 15 năm. Nhà lưới bao gồm lưới che chắn côn trùng bên trên và 4 phía; dưới đất thì sử dụng màng phủ chặn côn trùng không thể lên cây. Tại các gốc chanh sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân nên giảm nhân công rất nhiều. Trung bình  1 ha chanh dây trồng trong nhà lưới chỉ sử dụng 2 nhân công chủ yếu cắt tỉa lá, quả, cho cây leo giàn và thu hoạch".

Theo ông Lục, 1 ha chanh dây trồng trong nhà lưới đến kỳ cho trái định kỳ 7 ngày chỉ bỏ 10 kg phân, trong khi đó trồng ngoài tự nhiên mỗi gốc mất tới 200g. Bí quyết chính là màng phủ nông nghiệp đã làm cho phân và nước không bị bay hơi, tiết kiệm đáng kể chi phí và nước. Công nghệ này trước đây nhập từ Isarel nhưng hiện nay Việt Nam đã sản xuất và HTX mua từ TP. Hồ Chí Minh. Màng phủ nông nghiệp sử dụng 3 năm, ngoài việc vừa giữ độ ẩm, cỏ không lên được, cộng với công nghệ tưới nhỏ giọt giữ dinh dưỡng cho cây rất tốt. Ngoài ra, HTX sử dụng hệ thống phun sương để tiêu diệt nhện trắng, nhện đỏ.

Ông Lục chia sẻ: "Nếu trồng chanh dây ngoài tự nhiên mà bị nhện đỏ, nhện trắng bị cắn thì gây quăn đọt, sinh ra vi rút hại cây không chữa được. Khi trồng trong nhà lưới, mình khống chế được nhện, tẩy rửa được vi rút thì chanh dây không bị bệnh. Trước khi trồng, đất đã được xử lý kỹ lưỡng, chủ yếu bằng vôi, không tốn bao nhiêu chi phí mà làm cho đất sạch mầm bệnh".

HTX sử dụng màng phủ nông nghiệp và các công nghệ mới vào trồng chanh dây

Ong là "công nhân" đắc lực

Tham quan các vườn chanh dây trồng trong nhà lưới của HTX Đắk Tân, điều dễ nhận thấy nhất là cây xanh tốt, quả nhiều, to và bóng láng. Trong các vườn chanh dây có rất nhiều ong, đây chính là những "công nhân" góp phần giúp cho vườn chanh sai quả.

Chị Huỳnh Thị Kim Xuân, thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia vui vẻ cho biết: "Cuối năm 2018, tôi chuyển đổi 7 sào cà phê kém hiệu quả sang trồng chanh dây trong nhà lưới. Chanh dây được thụ phấn bằng ong, muốn thụ phấn cho chanh nhiều hay ít thì thả ong vào. Mỗi 1 ha thường phải nuôi khoảng 10 thùng ong, như gia đình tôi hiện nuôi 7 thùng ong. Mình điều tiết được thụ phấn cho vườn chanh tự nhiên nhờ ong. Con ong là loài sống trong môi trường sạch nên vườn chanh có sạch thì ong mới sinh sống. Trồng chanh dây trong nhà lưới rất ít khi phải xịt thuốc bảo vệ thực vật nên bảo đảm an toàn thực phẩm".

Chị Huỳnh Thị Kim Xuân tỉa cành và lá để cây chanh dây phát triển khỏe, cho thu hoạch trái lâu dài

Nhiều lợi ích khi liên kết

Liên kết với HTX, nông dân được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn và bao tiêu sản phẩm. Ngược lại, HTX liên kết với nông dân sẽ mở rộng sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu cung ứng cho các đối tác. Việc ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất giúp sản phẩm của nông dân và HTX nâng cao chất lượng, làm chủ đầu ra, giá cả.

Cách đây 4 tháng, anh Nguyễn Tấn Nhã, ở thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong) quyết định trồng 1 ha chanh dây trong nhà lưới. Anh Nhã cho biết: "Trước đây, tôi đã có 8 năm trồng chanh dây bên ngoài tự nhiên. Tháng 7/2018, tôi tham quan vườn chanh dây trồng trong nhà lưới của HTX Đắk Tân theo tiêu chuẩn GlobalGAP thấy hiệu quả cao nên quyết định liên kết. Tôi được HTX hợp đồng cho vay 550 triệu đồng làm nhà lưới, 500 triệu đồng mua 7.000 cây giống và bao tiêu sản phẩm. Gia đình chỉ bỏ ra 50 triệu đồng mua phân bón và công chăm sóc vườn chanh. Số vốn được HTX hỗ trợ cho vay sẽ được gia đình trừ vào sản phẩm khi bán cho HTX. Trong quá trình trồng, tôi được HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây kỹ lưỡng".

Anh Nhã chia sẻ kinh nghiệm: "Trước đây, trồng ở bên ngoài tự nhiên cây chanh dây thường bị dịch bệnh do côn trùng chích hút. Từng trồng chanh dây lâu năm và tích lũy được nhiều kinh nghiệm nhưng từ khi trồng trong nhà lưới tôi thấy ngăn được sương muối, gió không va đập trái, côn trùng không gây hại, dinh dưỡng đầy đủ nên trái to, đẹp. Chanh dây trồng mùa gió hay bị rụng hoa, ít đậu quả mà mùa này giá thị trường thu mua lại cao nên trồng trong nhà lưới sẽ đem lại lợi nhuận cao cho người trồng".

 

Ông Lê Văn Lục, Giám đốc HTX Đắk Tân cho biết, nếu HTX tính giá bán 25.000 đồng/kg thì sau hơn 1 năm, 1 ha thu về tầm 5 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng, người trồng thu lời 4 tỷ đồng, thu hồi vốn nhanh.

Ông Lục cho biết, sau 4 tháng trồng, chanh dây bắt đầu cho thu hoạch tới 14 tháng. Trung bình trồng trong nhà lưới 1 ha khoảng 6.250 -7.000 cây, cho thu 200 tấn quả. Hiện nay, HTX đã có nhiều đối tác là các công ty, doanh nghiệp trong nước đến đăng ký mua chanh dây xuất khẩu, trong đó thị trường chủ yếu là châu Âu. Các đối tác đưa ra mức giá thu mua cao hơn chanh dây sản xuất bình thường gấp 3 lần, tới 40.000 đồng/kg và hiện đã lựa chọn một số đối tác. Tuy nhiên, hiện nay HTX vẫn chưa hợp đồng lâu dài vì sản phẩm còn ít, khi mở rộng vùng nguyên liệu sẽ hợp đồng bền vững.

Với phương châm liên kết sản suất theo tiêu chí "an toàn sức khỏe và hiệu quả kinh tế cho người trồng, sản phẩm sạch cho người tiêu dùng", thời gian qua HTX Đắk Tân đã giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế gia đình từ trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn GlobalGAP là hướng đi mới nhưng bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, nên HTX Đắk Tân đang tiếp tục nhân rộng.


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :