Du lịch (02.08.2019 11:52)

Giữ hương vị rượu cần truyền thống

Rượu cần là sự đúc kết tri thức, kế thừa và tiếp nối bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ của đồng bào thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Rượu cần là nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh

“Ta gặp nhau khi hoàng hôn và nắng nhẹ buông trên lưng đồi,
Hương tình say, men rượu cay cháy lên tình yêu của tôi,
Chiều xuống, giọt nắng xuống Đắk Nông bình yên dịu êm,
Người mới đến, lòng đã mến Đắk Nông thắm xanh rừng ngàn,…”

Những lời ca thiết tha trong bài “Đắk Nông và em” của nhạc sĩ Võ Cường một lần nữa vẽ nên bức tranh sinh động của đất và người Đắk Nông. Trong đó, phảng phất hương rượu cần – thức uống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa mà ai từng một lần thưởng thức đều khó lòng quên được.

Cũng như lời bài hát mượt mà, chân thật dễ đi vào lòng người thì rượu cần với cái vị độc đáo, đậm đà… là điều không thể thiếu. Rượu cần còn là sự đúc kết tri thức, kế thừa và tiếp nối bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ của đồng bào thiểu số M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Rượu cần – thức uống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số

Thực tế, không chỉ đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê mới có rượu cần mà nhiều đồng bào thiểu số khác cũng làm rượu cần. Tuy nhiên, mỗi dân tộc làm ra hương vị khác nhau. Bà Thị Hoa, dân tộc M’nông ở bon Bù Sê Rê I, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) là một trong những địa chỉ quen thuộc của người dân địa phương khi tìm mua rượu cần. Bà chia sẻ: Làm rượu cần không quá khó nhưng đòi hỏi sự công phu trong tìm nguyên liệu và cẩn trọng trong chế biến mới có được ché rượu thơm ngon. Nguyên liệu chính làm cái rượu có thể dùng ngô, sắn, gạo nếp, gạo tẻ, hạt bo bo…

Nhưng ngon nhất vẫn là gạo nếp, thường được dùng trong những dịp đặc biệt. Men để ủ rượu phải được làm từ vỏ và lá cây rừng… Phương pháp làm rượu đơn giản, gạo nấu thành cơm rồi trộn với trấu, dàn mỏng rồi phơi; giã nhỏ men rượu rắc lên trên nia cơm, sau đó trộn thêm một lần trấu nữa rồi đổ vào ché trấu ủ, dùng lá cây rừng hoặc lá chuối khô ủ kín…

Rượu cần được sử dụng trong những dịp đặc biệt

Tương tự, bà H’Grum, dân tộc Mạ ở bon Bu Sốp, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho rằng, để có được ché rượu ngon phải dùng nguyên liệu từ rừng để làm men. Men rượu được chế từ vỏ cây lấy trong rừng, bột gạo… trộn với nước và vắt thành từng bánh nhỏ, phơi thật khô, sau đó để từ 10 - 15 ngày là có thể dùng. Ngoài ra, phải đặc biệt chú ý khâu chuẩn bị ché rượu. Ché được vệ sinh sạch sẽ, tráng qua nước nấu từ lá cây rừng và phơi thật khô. Như vậy khi ủ rượu sẽ không bị hư, chua.

Những hộ gia đình được gọi là uy tín và làm rượu cần ngon hầu như dựa vào tay nghề, kinh nghiệm đo đúng liều lượng của các loại nguyên liệu. Sau một đến ba tháng mới đem ra dùng. Khi uống lót lá chuối tươi ở trên, đổ nước lã đầy ché, dùng cần cắm xuyên qua các tầng lá xuống đáy ché, uống cạn đến đâu lại chế thêm nước đến đấy. Rượu ngon có mùi thơm đặc trưng, ngọt ngào, màu rượu vàng óng, uống vào có chút đắng nhưng lại hòa vào vị ngọt là chính. Uống vài hơi vẫn thấy chưa say nhưng khi rượu ngấm có cảm giác ấm người, lâng lâng. Rượu cần để lâu năm được xem là quý, hương rượu thơm ngát lan tỏa nồng nàn thật hấp dẫn.

Đồng bào Mạ xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) xây dựng thương hiệu rượu cần truyền thống gia đình

Sợi dây kết nối, phát triển du lịch đang bị phai nhạt

Từ lâu, rượu cần Tây Nguyên đã được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước biết đến, ưa thích. Có thời gian, rượu cần trở thành một loại hàng hóa phổ biến, được ưa chuộng tại các điểm, các “tour” du lịch. Tuy nhiên hiện nay, nhiều khách du lịch không còn mặn mà tìm mua “món quà” độc đáo này. Với nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng có thể khẳng định hương sắc rượu cần nhạt phai là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này.

Theo đó, việc làm rượu cần ở nhiều nơi không còn theo cách thức truyền thống nhưng lại lạm dụng thương hiệu rượu cần truyền thống của đồng bào các dân tộc. Việc sử dụng men công nghiệp trong ủ rượu đã làm mất đi hương vị và sự độc đáo của rượu cần. Nhiều người chạy theo thị trường dùng loại men này để ít tốn công sức và ủ trong thời gian ngắn. Thay vì từ 1 đến 3 tháng mới có được ché rượu cần dùng thì nay lại ủ 5-10 ngày đã bán.

Những người có kinh nghiệm làm và thưởng thức rượu cần chia sẻ: Uống rượu cần làm bằng men cây rừng khi say sẽ không bị đau đầu, nhưng uống rượu ủ bằng men công nghiệp thì uống không ngon, lúc say gây đau đầu, tỉnh dậy người mệt mỏi…

Là một trong những nét đẹp đặc trưng trong bản sắc truyền thống của các dân tộc, rượu cần phản ánh đời sống tình cảm, gắn kết giữa con người với thiên nhiên, con người với con người. Tuy nhiên, những người hám lợi, chạy theo thị trường, lợi dụng văn hóa truyền thống dân tộc đã làm mất đi “sợi dây kết nối” giữa phát triển du lịch và cộng đồng. Khách du lịch hiểu sai, người dùng sợ bị lừa, tạo nên tâm lý nghi ngờ về các thương hiệu rượu cần truyền thống đích thực.

Bên cạnh đó, cách thưởng thức rượu cần sai cũng phần nào làm giảm sút ý nghĩa, sự đặc sắc của rượu cần. Theo già làng K’Ngul ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), thưởng thức cũng cần có không gian và tâm lý đặc biệt mới thấy hết được nét độc đáo của rượu cần. Rượu cần không phải dùng để uống giải sầu, uống cho say mà dùng cho những dịp đặc biệt, lễ hội, tụ họp gia đình, khách quý đến nhà…

Mời nhau uống rượu cần cũng phải có quy cách, tỏ rõ sự tôn trọng, quý mến với khách. Rượu cần sẽ là cầu nối để mọi người hiểu nhau hơn. Vì vậy, khi lớp trẻ uống rượu cần không theo quy tắc nào cả đã làm mất đi giá trị trong văn hóa uống rượu cần.

Lá và vỏ cây rừng để làm men rượu cần

Cần giữ vững hương vị truyền thống

Xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) hiện đã có Tổ hợp tác làm rượu cần và được công nhận nghề làm rượu cần truyền thống. Nhiều năm nay, gia đình bà G’Rum, H’Mai hay anh K’Srai ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) vẫn tuân thủ quy tắc làm rượu cần truyền thống. Chất lượng của rượu cần truyền thống luôn được khẳng định và được người dân tin tưởng, yêu thích. Cũng chính vì thế, các hộ đồng bào tự tin mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ phục vụ gia đình, người dân địa phương mà còn hướng đến khách du lịch, nhà hàng, dịch vụ du lịch… Nhiều hộ đồng bào biết tận dụng mạng xã hội, các trang web tích cực quảng bá rượu cần truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Chị H’Thúy Yem, bon Bu Sốp, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cho biết: Gia đình mình có truyền thống làm rượu cần. Mình học làm rượu cần từ mẹ. Mình thấy làm men rượu cần vất vả, phải vào rừng lấy vỏ cây, rồi phơi, giã thành bột… để làm nguyên liệu.  Nhiều khi thấy tốn nhiều công sức không muốn làm nhưng khi thấy mọi người tìm đến hỏi mua, rồi đặt hàng nhiều, mình mới biết được sự quý giá khi làm theo cách truyền thống. Mỗi năm gia đình ủ và bán trên 200 ché rượu cần với mức giá từ 200.000-600.000 đồng/ché.

Rượu cần của các hộ gia đình được quảng bá trên các trang web, mạng xã hội

Bí quyết làm rượu cần truyền thống thơm ngon, đúng chất lượng ngày càng bị mai một, ít người biết. Trong khi đó, nguyên vật liệu từ rừng ngày càng khan hiếm. Sự lẫn lộn thật – giả của rượi cần trong thị trường hiện nay rất đáng lo ngại. Rượu cần không chỉ thưởng thức bằng cách uống, mà còn ở ánh mắt, sự cảm nhận trong từng điệu múa xoang, thắm đượm lời ca trong tiếng cồng chiêng rộn rã, vui tươi.

Vì vậy, việc kết nối, tích cực quảng bá hình ảnh, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng là một trong những tiền đề, động lực xây dựng thương hiệu rượu cần và phát triển du lịch cộng đồng. Việc xây dựng hệ thống, thương hiệu rượu cần truyền thống của các gia đình trên địa bàn tỉnh có thể sẽ khó, nhưng nếu không làm, trong tương lai sẽ bị đánh mất.

Bài, ảnh: H'Mai

Nguồn Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :