
Đoàn chuyên gia UNESCO chụp ảnh lưu niệm tại Nhà văn hóa cộng đồng Buôn Nui
“Bản giao hưởng của làn gió mới”, bắt đầu từ huyện Cư Jút đến thành phố Gia Nghĩa. Tuyến đường chứa đựng nhiều núi lửa âm và dương, các dòng dung nham núi lửa chảy qua nơi đây đã thay đổi cảnh quan nguyên thủy tạo nên những di sản địa chất đặc sắc như thác Băng Rup, Hồ núi lửa, các pha phun trào bazan,…đặc biệt là các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc bản địa M’nông, Êđê như sử thi, văn hóa cồng chiêng,….Nơi đây còn ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử đặc biệt quan trọng trong công cuộc giải phóng đất nước như Ngục Đắk Mil, Đường hành lang chiến lược Bắc – Nam,…
Trên hành trình khảo sát, đánh giá thực địa, Đoàn chuyên gia UNESCO đã ghé thăm Buôn văn hóa Ê-Đê, giá trị di sản này được thể hiện rõ nét qua kiến trúc nhà dài (hình dáng như một chiếc thuyền) hay những chiếc ghế dài kpan cùng các lễ hội và nghi thức truyền thống như lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới,… Ngoài ra, người Ê-Đê còn bảo tồn khá nguyên vẹn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nổi bật là kỹ thuật dệt Kteh với các hoa văn đặc trưng, phức tạp, màu sắc chủ đạo đen, đỏ. Đặc biệt, cồng chiêng Ê-Đê đã góp phần vào Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được tổ chức UNESCO công nhận là “Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” năm 2005 và trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2009.

Di tích Đồi 722 - Đắk Sắk cũng là một trong những điểm khảo sát của Đoàn chuyên gia UNESCO
Đoàn chuyên gia UNESCO cũng đã khảo sát, đánh giá thực địa điểm di tích Đồi 722 - Đắk Sắk, đây là nơi ghi dấu nhiều trận đánh ác liệt của lực lượng bộ đội chủ lực, quân, dân địa phương từ năm 1968 - 1975. Ngày 24/10/2012, di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên đón Đoàn chuyên gia UNESCO trong tiết trời xanh mát
Nằm trong tuyến du lịch “Bản giao hưởng của Làn gió mới”, Thác Lưu Ly là con thác không quá lớn nhưng dòng chảy trắng xoá tựa như mái tóc của nàng tiên đẹp buông xoã giữa rừng già, cái đẹp không lộng lẫy, dữ dội, mà rất hiền hoà, hoang sơ. Bên cạnh việc tham quan thác, có thể trải nghiệm các tuyến đi bộ bên trong rừng tự nhiên, trong đó có hai tuyến tiêu biểu với chiều dài 2,3km với hệ động, thực vật đa dạng.

Đoàn chuyên gia UNESCO chụp ảnh lưu niệm tại Thác Lưu Ly
Cuối ngày, Đoàn chuyên gia UNESCO giao lưu văn hóa ẩm thực tại Hợp tác xã Ngô Gia Trang thành phố Gia Nghĩa. Ngày mai 29/6, Đoàn sẽ tiếp tục hành trình tái thẩm định CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tại tuyến du lịch “Âm vang từ Trái đất” bắt đầu từ thành phố Gia Nghĩa đến với hồ Tà Đùng, huyện Đắk Glong.
Nguyễn Nguyễn
Theo Cổng TTĐT tỉnh