Kinh tế đô thị (18.06.2020 21:05)

Cư Jút “tuổi 30” đầy phấn khởi, tự tin

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, huyện Cư Jút đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Với nền móng vững chắc, huyện Cư Jút đang phấn khởi và tự tin sẽ trở thành địa phương giàu mạnh, phát triển trong tương lai gần.

 

Diện mạo mới ở đô thị, nông thôn

 

Những ngày gần đây, không khí thi công tại đường Nguyễn Văn Linh, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) hết sức khẩn trương. Từng nhóm thợ tranh thủ lát đá khu vực vỉa hè, quét sơn dải phân cách cố định, lăn sơn vạch giới hạn đường… Để ủng hộ đơn vị thi công, nhiều người dân sẵn sàng tham gia giúp việc ở khu vực vỉa hè trước nhà mình. Người người còn tự nguyện phục vụ nước uống, đồ ăn nhẹ… để các nhóm thợ ăn trong lúc nghỉ ngơi. Ai ai cũng mong con đường này sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 

Hạ tầng giao thông huyện Cư Jút được quan tâm, đầu tư. Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Linh, thị trấn Ea T’ling được nâng cấp, cải tạo

 

Đường Nguyễn Văn Linh là một trong nhiều công trình được thi công gần đây nhằm góp phần thay đổi diện mạo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thị trấn Ea T’ling. Thời gian qua, huyện Cư Jút luôn xác định một trong những tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội là hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông. Cùng với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, huyện đã khéo léo huy động nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn. Hiện tại, 100% các tuyến đường huyện, đường liên xã tại Cư Jút đã được cứng hóa, 79% đường liên thôn được cứng hóa…

 

 

Huyện Cư Jút được thành lập theo Quyết định 227/HĐBT ngày 19/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Cư Jút nằm ở phía Bắc của tỉnh, tiếp giáp với TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) năng động và có quốc lộ 14, quốc lộ 28 đi qua, thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Bộ. Cư Jút có khoảng 20 km đường biên giới với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia).

 

Đến các xã nông thôn mới (NTM) như Tâm Thắng, Nam Dong, Trúc Sơn và Đắk Wil thời điểm này, không khó để thấy sự thay đổi toàn diện về hạ tầng nông thôn. Các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. Ở các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2020 (Cư K’nia và Ea Pô) và xã chưa đạt chuẩn NTM là Đắk D’rông, điện, đường, trường, trạm… được đầu tư bài bản, ngày càng phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

 

Cư Jút phát triển hài hòa kinh tế gắn với cải tạo và bảo vệ môi trường

 

Theo Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Nguyễn Thị Thanh Hà, diện mạo của huyện có sự thay đổi rất nhanh thời gian qua là nhờ chương trình xây dựng NTM. Người dân đồng lòng, góp sức người, sức của cùng chính quyền các cấp tham gia xây dựng NTM giúp chương trình này được thực hiện hiệu quả, đi vào thực chất. Tổng nguồn vốn xã hội huy động cho nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 766 tỷ đồng.

 

Tại Cư Jút, 100% thôn, bon, buôn có điện quốc gia; trên 98% hộ dân được sử dụng điện, nước hợp vệ sinh; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,02%… Đến hết năm 2020, toàn huyện sẽ có 6/7 xã đạt chuẩn NTM (vượt chỉ tiêu 2 xã). Hiện thị trấn Ea T’ling đã đủ điều kiện công nhận đô thị loại IV và khu vực trung tâm xã Nam Dong được công nhận đô thị loại V.

 

Cư Jút phát triển hài hòa kinh tế gắn với cải tạo và bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Thị trấn Ea T’ling năng động và giữ được “màu xanh” cho đô thị

 

Nền móng vững chắc cho tương lai

 

Sự chuyển mình mạnh mẽ của khu vực đô thị và nông thôn Cư Jút đã thể hiện được thế mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương. Một số dự án lớn được triển khai tại Cư Jút thời gian qua đã cho thấy sự quan tâm thu hút đầu tư của chính quyền địa phương và sự góp sức không nhỏ của Nhân dân.

 

Tại Khu công nghiệp Tâm Thắng (xã Tâm Thắng) với diện tích gần 180 ha, tỷ lệ lấp đầy hiện đã đạt trên 90%. Hiện tỉnh đã có chủ trương đầu tư bệnh viện chuyên sâu quy mô 700 giường bệnh tại thị trấn Ea T’ling; nhà máy chế biến rác thải (quy mô 100 tấn/ngày) tại xã Cư K’nia; Dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Ea T’ling… Các dự án này đều nhận được sự đồng tình của người dân nên công tác giải phóng mặt bằng rất thuận lợi.

 

Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến xây dựng các dự án lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương (Trong ảnh: Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút chính thức đi vào vận hành trong năm 2019)

 

Cư Jút có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đối đặc biệt. Trước thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, gió gây bất lợi cho nông nghiệp, huyện đã nỗ lực đầu tư phát triển thủy lợi, cải thiện hồ đập. Song song với đó, huyện đã nỗ lực xúc tiến đầu tư lĩnh vực năng lượng, thủy điện, điện mặt trời nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên. Ngoài 6 dự án thủy điện đang hoạt động, trên địa bàn huyện đang có 2 dự án điện là: Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút và Nhà máy điện mặt trời Trúc Sơn (với tổng công suất 95Mwp) mới được đầu tư và đi vào vận hành từ năm 2019. Ngoài ra, đã có nhiều nhà đầu tư đến địa phương đặt vấn đề khai thác năng lượng, triển khai các dự án điện mặt trời.

 

Lãnh đạo tỉnh và huyện Cư Jút cắt băng khánh thành Dự án Nhà máy điện mặt trời Cư Jút

 

Ngoài lĩnh vực công nghiệp, sản xuất nông nghiệp tại Cư Jút thời gian qua cũng phát triển khá toàn diện theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết. Một số nhà đầu tư như Vinasoy, T&T… đã tìm đến địa phương và bắt đầu triển khai đầu tư dự án phát triển nông nghiệp. Giá trị thu nhập hiện tại trên 1 ha đất canh tác của huyện Cư Jút đang ở mức cao (82 triệu đồng/ha/năm) và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

 

 

 

Một thế mạnh khác mà theo Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Nguyễn Thị Thanh Hà chính là du lịch. Cư Jút có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông và nhiều ưu đãi về thiên nhiên với các cảnh đẹp đang được xây dựng theo hướng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với Công viên địa chất Đắk Nông. Đây là hướng đầu tư đồng bộ cho du lịch nhằm tạo ra “vùng đệm”, là điểm dừng chân và thu hút du khách khi đến tham quan Công viên địa chất Đắk Nông.

 

Nhân dân và cán bộ huyện Cư Jút vinh dự được đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước tặng

 

Bà Hà nhấn mạnh: Nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã kế thừa được những thành tựu của giai đoạn trước để có những kết quả vượt bậc, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Với “nền móng” vững chắc sau 30 năm hình thành và phát triển, chúng tôi rất phấn khởi, tự tin bước vào giai đoạn mới với nỗ lực xây dựng Cư Jút thành địa phương vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh và trở thành điểm sáng toàn diện của tỉnh. Cư Jút phấn đấu sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM vào năm 2025 và trở thành thị xã đô thị loại IV, trực thuộc tỉnh Đắk Nông trước năm 2030.

 

 

Ghi nhận những thành tích đạt được trong 30 năm hình thành và phát triển, huyện Cư Jút đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Cư Jút vinh dự được tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010) và Huân chương Lao động hạng Hai (năm 2015). Mới đây, Nhân dân và cán bộ huyện Cư Jút vinh hạnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Bài, ảnh : Lê Phước

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :