Xây dựng nông thôn mới (23.12.2019 21:54)

Cư Jút hướng tới mục tiêu huyện nông thôn mới

Sau 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp tại huyện Cư Jút. Kết quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động xây dựng NTM đã góp phần tích cực vào việc phát triển hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và từng bước giảm tỉ lệ hộ nghèo, cải thiện mức sống của Nhân dân.

 

Trong giai đoạn 2010 - 2019, huyện Cư Jút đã nâng cấp, làm mới trên 167 km đường giao thông nông thôn

Dấu ấn chặng đường 10 năm

Huyện Cư Jút có diện tích tự nhiên trên 72.000 ha, trong đó có trên 65.000 ha đất nông lâm nghiệp (chiếm trên 90% diện tích toàn huyện). Vào năm 2010, khi bắt đầu xây dựng NTM, toàn huyện có hơn 92.000 dân, gồm 23 dân tộc anh em cùng sinh sống với thu nhập bình quân đầu người khoảng 18,4 triệu đồng/năm.

Nhìn chung, nông thôn Cư Jút được hình thành và phát triển chủ yếu là từ dân di cư tự do từ các vùng miền và các dân tộc đến lập nghiệp nên còn mang nặng tính tự phát. Cơ sở kinh tế hạ tầng nông nghiệp nông thôn đã được đầu tư xây dựng nhưng còn thấp kém, chưa đồng bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn. Toàn huyện có 7 xã nhưng bình quân mỗi xã chỉ đạt khoảng 3,7 tiêu chí NTM.

Trong giai đoạn 2010 - 2019, huyện Cư Jút đã nâng cấp, làm mới trên 167 km đường giao thông nông thôn

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ khi triển khai (năm 2010), huyện Cư Jút đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Công tác tổ chức, triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” trên địa bàn huyện diễn ra khá đồng bộ, rộng khắp với nhiều nội dung phù hợp, sát với thực tế và tạo được sự chuyển biến trích cực trong kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào xây dựng NTM và cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các tổ chức đoàn thể đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng NTM một cách thiết thực, hiệu quả như: Cuộc vận động “Cư Jút xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “5 không, 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”…

Hơn 28km kênh thủy lợi đã được bê tông hóa từ năm 2010 tới nay

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Cư Jút đã huy động được nhiều nguồn lực trong quá trình xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đạt trên 281 tỷ đồng; Nhân dân tự xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, khu dân cư ước tính khoảng 350 tỷ đồng. Từ năm 2016 tới nay, tổng vốn đầu tư xây dựng NTM đạt trên 525 tỷ đồng và Nhân dân tự xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, khu dân cư ước tính trên 500 tỷ đồng.

Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng NTM, Cư Jút đã đạt được những kết quả hết sức nổi bật. Huyện đã nâng cấp, làm mới trên 167 km đường giao thông nông thôn, bê tông hóa trên 28 km kênh thủy lợi và xóa được 386 nhà tạm bợ, dột nát. Ngoài 98 hội trường thôn, đã có 6 nhà văn hóa xã, 7 trạm y tế xã được xây dựng và 25 trường học xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Huyện đã đào tạo nghề cho trên 6.500 lao động nông thôn, trong đó tạo việc làm cho hơn 2.300 lao động. Đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Cư Jút đạt bình quân 40 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,02%…

Trên địa bàn Cư Jút có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT Cư Jút Hồ Sơn, từ năm 2010 tới nay, huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp cho 6.500 lượt nông dân, thành lập 12 hợp tác xã và 26 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện xuất hiện các mô hình kinh tế có hiệu quả như: sản xuất đậu nành Nam Dong, sản xuất cây ăn trái tại xã Đắk Wil… “Nền nông nghiệp đã và đang từng bước sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung và có sự liên kết, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có 4 xã (Tâm Thắng, Nam Dong, Trúc Sơn và Đắk Wil) đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Bình quân, các xã đạt 16 tiêu chí NTM và không còn xã dưới 10 tiêu chí”, ông Sơn cho hay.

Diện mạo khu vực nông thôn Cư Jút đang khởi sắc từng ngày

Phát triển nông thôn bền vững

Hiện tại, Cư Jút vẫn còn 3 xã chưa đạt chuẩn NTM. Mục tiêu của huyện là đến hết năm 2020, toàn huyện có 6/7 xã đạt chuẩn NTM và bình quân các xã đạt 18 tiêu chí trở lên. Tại xã Tâm Thắng và Nam Dong, huyện sẽ xây dựng ở mỗi xã 1 khu dân cư kiểu mẫu. Huyện Cư Jút phấn đấu đến năm 2021 sẽ đạt chuẩn NTM 7/7 xã và trở thành huyện NTM. Kế thừa kết quả đạt được qua 10 năm xây dựng NTM, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện tiếp tục hướng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, hoàn thiện cơ sở vật chất - văn hóa xã hội cơ bản, bảo đảm môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Một số dự án đầu tư trên địa bàn huyện Cư Jút đã hoàn thành, đi vào vận hành và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Theo Chủ tịch UBND huyện Cư Jút Nguyễn Thị Thanh Hà, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực (Nhà nước, xã hội và Nhân dân), lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia để đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn NTM. Đối với những xã đã đạt chuẩn, huyện tập trung đầu tư để cơ sở hạ tầng bảo đảm hơn theo hướng xã NTM nâng cao (21 tiêu chí và 63 chỉ tiêu). Huyện cũng sẽ tập trung hướng dẫn bà con nông dân sản xuất theo kế hoạch, quy hoạch đã được ban hành để từng bước hình thành vùng chuyên canh tập trung, có sự liên kết trong bao tiêu sản phẩm. Từ kinh nghiệm xây dựng vườn mẫu, rẫy mẫu, Cư Jút sẽ tập trung nhân rộng trên địa bàn, phấn đấu nâng tổng thu nhập bình quân 1 ha đất canh tác đạt 100 triệu đồng/năm vào năm 2025 và đạt 130 triệu đồng/năm vào năm 2030 (hiện đã đạt 80 triệu đồng/năm). Với kết quả đó, huyện đặt mục tiêu thu nhập bình quân người dân nông thôn sẽ đạt 50 triệu đồng/năm vào năm 2025 và trên 65 triệu đồng/năm vào năm 2030.

 

Huyện sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM

"Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi xác định chương trình này có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Huyện luôn xem việc xây dựng NTM luôn là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Với mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, huyện sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm môi trường và nhu cầu của người dân".

Bí thư Huyện ủy Cư Jút Nguyễn Tuấn Phúc

 

Để đạt được mục tiêu này, huyện Cư Jút đặt mục tiêu sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM ở cấp xã, cấp huyện nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục rà soát để nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch, gắn quy hoạch hạ tầng với quy hoạch sản xuất hàng hóa theo vùng, địa bàn trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng.

“Trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn vốn huy động, huyện sẽ ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, thiết yếu về dân sinh như: giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường… Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng NTM để từng bước đưa huyện trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp sạch và hữu cơ của tỉnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả cải các hành chính, thực hiện chính sách thu hút đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư tại địa phương”, bà Hà cho hay.

Lê Phước

Theo Đắk Nông online


Bản in
Liên kết Website

Số lượt truy cập :

Đang truy cập :